Đừng để TTCT vào “đường” cá tra?

Chưa có đánh giá về bài viết

Có thể nói rằng, con tôm thẻ chân trắng (TTCT) dường như đang trong thời kỳ “hoàng kim” với sự tăng trưởng chóng mặt cả về diện tích, sản lượng, giá cả. Người nuôi phấn khởi, doanh nghiệp thoát cảnh “ăn đong” nhưng nhiều chuyên gia lo ngại tình trạng phát triển ngoài tầm kiểm soát này, vì sợ kịch bản của con cá tra lặp lại?

Vào thời điểm những năm 2000, ngành cá tra phát triển mạnh đến khó tin, người nuôi thu lãi hàng tỷ đồng/ha ao nuôi, các doanh nghiệp chế biến phất lên nhanh chóng, mang về cho đất nước hàng tỷ USD/năm. Đây được coi là thời kỳ cực thịnh của con cá tra.

Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, trong khoảng 10 năm trở lại đây, diện tích nuôi cá tra cả nước tăng gấp 5 lần (hiện gần 6.000 ha), sản lượng tăng 36 lần (khoảng trên 1,35 triệu tấn), giá trị xuất khẩu tăng gần 45 lần (từ 40 triệu USD lên 1,74 tỷ USD năm 2013), chiếm 34,4% tổng giá trị xuất khẩu ngành thủy sản và đóng góp khoảng trên 2% GDP cả nước. Cá tra có mặt ở trên 140 thị trường. Và là sản phẩm gần như “độc quyền” của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Sự tăng trưởng “kỳ diệu” này đã khiến phong trào nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra nở rộ ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, sự phát triển vượt qua quy hoạch và kiểm soát của nhà quản lý đã khiến ngành cá tra rơi cảnh bão hòa, cung vượt quá cầu, xuống dốc và thê thảm như thời gian vừa qua.

Và thời điểm hiện nay, con TTCT đang có xu hướng phát triển như vậy.

Hiện, TTCT đang hiệu quả hơn tôm sú – Ảnh: Phan Thanh Cường

Năm 2012, theo thống kê, diện tích nuôi TTCT ở ĐBSCL khoảng 15.727 ha, sản lượng ước 77.830 tấn (tương đương với 41,2% diện tích nuôi và 42% sản lượng TTCT cả nước). Giá trị xuất khẩu đạt 676,6 triệu USD, chiếm 32,8% tổng giá trị xuất khẩu ngành tôm. Năm 2013, TTCT tăng chóng mặt, với hơn 50% diện tích, 58% sản lượng và giá trị xuất khẩu đạt gần 1,6 tỷ USD, chiếm trên 50% giá trị xuất khẩu ngành tôm.

Có thể nói, con TTCT đang lên đời khi giá luôn ở mức cao, điều này đã tạo nên phong trào nuôi phát triển rầm rộ. Tại nhiều nơi ở ĐBSCL, người dân không ngần ngại chặt dừa, phá đất trồng mía… để đào ao đưa nước mặn vào nuôi, bất chấp cảnh báo của ngành.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho rằng, việc nhiều hộ nuôi chuyển sang nuôi TTCT là xu hướng tất yếu, bởi nuôi tôm sú gần đây chết nhiều quá. Hơn nữa, thời gian nuôi TTCT ngắn, chỉ hơn hai tháng là có thể thu hoạch, giá lại cao. Hơn nữa, các ngành chức năng cũng rất khó để xử lý, bởi không thể buộc người dân nuôi đối tượng khó để bị thiệt hại.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu giá cao thì TTCT sẽ hiệu quả hơn tôm sú, tuy nhiên, khi giá thấp, người nuôi TTCT bị dịch bệnh sẽ bị lỗ nhiều vì chi phí đầu tư nuôi TTCT cao hơn. Mặt khác, nếu nông dân ồ ạt thả nuôi TTCT sẽ có thể gặp khó khâu tiêu thụ do Việt Nam chậm chân trong việc nuôi đối tượng này, giá thành sản xuất lại đang cao hơn 10 – 20% so nhiều nước. Bằng chứng là TTCT Thái Lan nhập khẩu về Việt Nam vẫn rẻ hơn so giá tôm nguyên liệu trong nước. Còn giá TTCT Ấn Độ cũng đang thấp hơn tôm Việt Nam khoảng 2 USD/kg.

Điều đáng lo ngại là nếu TTCT lấn lướt như hiện nay thì nguy cơ tôm sú sẽ mất hết chỗ (đây lại là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam), khi những ao đầm đã TTCT để quay trở lại nuôi tôm sú sẽ gặp nhiều khó khăn vì điều kiện nuôi khác nhau. Bởi, Việt Nam là một trong những quốc gia ít ỏi còn nuôi tôm sú, thị trường cho đối tượng nuôi này vẫn rộng. Và xuất khẩu tôm sú vẫn chiếm thị phần khoảng 20% dù giá cao hơn TTCT 2 – 2,5 USD/kg, do chất lượng TTCT không bằng tôm sú.

Đây là bài toán khó nhưng hy vọng các cơ quan ban ngành sớm có lời giải!

Linh Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!