Một phút nóng giận, bực bội hoặc thiếu tập trung quan sát, hậu quả lập tức ập đến. Những linh hồn chia lìa thân xác, may mắn cũng què cụt sứt đầu dập mặt. Vận hạn, xui xẻo, hay là những sự cố hoàn toàn có thể tránh được? Hãy nghe ý kiến Thượng tọa Thích Quang Việt về tai nạn giao thông – vấn đề bức xúc với toàn xã hội hiện nay.
Tai nạn giao thông đang xảy ra quá nhiều, người ta gọi là quốc nạn. Quốc nạn này không trừ một ai, từ dân thường đến quan chức, từ người nghỉ hưu đến người đang tuổi lao động, từ người nghèo đến người giàu. Mỗi năm không chỉ có một ngày, mà có hẳn một tháng – an – toàn – giao – thông. Thế nhưng, ngay trong tháng đó, tai nạn giao thông cũng không hề giảm.
Tai nạn giao thông đường thủy vẫn thường xuyên xảy ra ở nước ta – Ảnh: Huy Hùng
Làm thế nào để giải quyết quốc nạn này?
Thiết nghĩ, có hai tiêu chí cho bài toán giao thông. Thứ nhất, xe đi trên đường không được quá chậm, bởi đi chậm sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế. Thứ hai, không được để xảy ra tai nạn, bởi xảy ra tai nạn cũng ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia và nhiều mặt khác.
Nói như vậy có mâu thuẫn: Muốn phát triển kinh tế phải đi nhanh, và đi nhanh thì nguy cơ tai nạn tăng lên, lại làm chậm phát triển kinh tế?
Thực ra không có gì mâu thuẫn, nếu xác định mục đích tối hậu của giao thông là “không xảy ra tai nạn” và “không cản trở lưu thông”. Tất cả các quy định khác chỉ để giúp đạt được hai mục đích tối hậu trên mà thôi.
Lái xe muốn tránh tai nạn thì phải lái giỏi. Thế vẫn chưa đủ. Họ còn phải biết yêu quý sinh mạng con người, kể cả con vật đi lạc trên đường. Lái giỏi thì xử lý tình huống tốt. Biết yêu quý sinh mạng con người và con vật sẽ tạo nên hiệu quả tâm linh, tự tin vào tay lái, khiến được may mắn trên đường trường.
Lái xe hiện nay phần nhiều ác cảm với cảnh sát giao thông. Thiết nghĩ, cảnh sát giao thông nên nhìn lại chính mình, bởi nhiều người dường như quên mất hai mục đích tối hậu của giao thông. Họ chăm chăm bắt lỗi vi phạm để phạt tiền. Số ít tệ hơn, lấy tiền của người vi phạm đút túi, rồi tha cho đi.
Chỉ vì người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm mà nhào ra giữa đường chặn bắt người ta, chặn không được phóng xe đuổi theo, thế thì đâu phải giúp an toàn hơn, mà là gây nguy hiểm hơn.
Những lỗi không nặng mà cố bắt cho bằng được, cố phạt cho bằng được, khiến mất đi sự công bằng của trời đất, gây oán thán trong lòng dân. Thái độ hống hách, đôi khi ác độc của một số cảnh sát giao thông khiến cho người dân ghét lây Nhà nước. Số cảnh sát giao thông này quên mất rằng cán bộ ăn lương từ thuế của dân, khi tiếp xúc với dân phải biết trách nhiệm của mình lúc đó là đại diện cho Nhà nước, không còn là trách nhiệm cá nhân nữa.
Trên mạng có thấy nói cảnh sát giao thông Đà Nẵng chặn người đi xe ngược chiều, nhắc nhở rồi hướng dẫn họ đi trở lại. Ai cũng ca ngợi cách làm này. Một lần phạt là gần cả tháng lương tài xế, sau lưng họ là vợ con họ nữa. Phạt nặng đâu giúp giảm tai nạn. Nguồn thu từ phạt vi phạm đang tăng lên (nghe đâu đã được khoán), nhưng tai nạn cũng tăng lên theo. Nhiều người oán thán phạt nặng chỉ giúp cảnh sát giao thông nhanh giàu mà thôi.
Xe càng lúc càng đông, người lái xe càng lúc càng nhiều, và trình độ lái càng lúc càng chênh lệch. Người lái giỏi, người lái kém. Người cẩn trọng, người rất ẩu. Phải tạo cơ hội cho họ có nhiều cơ hội tập dượt, luyện tay nghề. Nên chăng cần có nhiều mô hình tập lái xe trên máy, mô phỏng nhiều tình huống phức tạp, ai cũng có thể đến tập với giá rẻ. Người vi phạm giao thông buộc phải qua bao nhiêu giờ tập lái kiểu này mới cho nhận lại bằng, sẽ thiết thực hơn phạt họ một khoản tiền. Nhà nước đầu tư, bù lỗ cho dịch vụ tập lái này, lợi ích thu về cho xã hội sẽ lớn lắm.
Đạo không xa rời với Đời. Nhà nước cần yêu cầu tôn giáo vào cuộc. Các tu sĩ phải dạy tín đồ lòng yêu quý sinh mạng con người và con vật, mỗi khi ngồi sau tay lái, để tạo hiệu ứng tâm linh, làm nên may mắn trên đường trường. Đất nước đã có độc lập, đã có tự do, nhưng chưa giảm được tai nạn giao thông thì người dân, phật tử chưa thể nói đã có cuộc sống hạnh phúc.