Đừng “thả nổi” tôm giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2012, sản xuất tôm giống tăng quy mô, số lượng, đáp ứng nhu cầu người nuôi; nhưng vấn đề tôm giống còn nan giải. Năm 2013, thực tế đòi hỏi cần nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hơn nữa.

Chất lượng giống vẫn kém

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2012, sản xuất tôm giống đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu, số lượng thả nuôi tăng 0,2% so năm 2011; nhưng sản lượng thấp hơn mấy năm trước 3,9% (trong đó tôm sú giảm 6,5% so vài năm trước). Nổi lên tình trạng tôm giống kém chất lượng lưu hành nhiều trên thị trường mà ngăn chặn không được bao nhiêu; dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.

Kết quả phân tích 322 mẫu tôm giống (gồm 203 mẫu từ trại sản xuất giống ở 4 tỉnh miền Trung, 6 mẫu giống trước khi thả nuôi ở một số  tỉnh miền Bắc, 113 mẫu ở một số tỉnh ĐBSCL) cho thấy nhiều mẫu tôm giống nhiễm vi khuẩn; 53,8% mẫu thu ở trại giống miền Trung nhiễm khuẩn Vibrio, 3 mẫu tôm giống bị hoại tử gan tụy cấp. Cùng đó, việc ban hành văn bản quản lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về con giống và điều kiện cơ sở sản xuất giống nhìn chung còn chậm, gây khó cho công tác quản lý; quy định kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh giống mới chỉ được thực hiện ở một số tỉnh trọng điểm.

Chất lượng tôm giống cần được nâng cao – Ảnh: Thanh Nhã

 

Vì sao?

Đã có nhiều giải pháp loại trừ tôm giống kém chất lượng; nhưng thực tế từ sản xuất, lưu hành đến thả nuôi ở nhiều vùng, quản lý còn nhiều kẽ hở.

Tôm giống là đối tượng nhiễm bệnh chính từ tôm bố mẹ, nhưng việc kiểm dịch tôm bố mẹ tại trại sản xuất giống chưa có quy định cụ thể. Nguồn nhập tôm nhiều khi không rõ, từ các nước tiên tiến hay từ đàn thương phẩm tại Việt Nam. Vẫn còn tình trạng nhiều cơ sở tôm bố mẹ gia hóa hoặc bị ép đẻ nhiều lần rồi cho ra con giống chất lượng kém. Nhu cầu con giống vào vụ rất lớn, doanh nghiệp không cung ứng đủ, đành nhập lại từ cơ sở nhỏ lẻ không qua kiểm dịch, trà trộn thật giả, khiến người nuôi khó phân biệt.

Hiện nay, nuôi tôm càng xanh ngày càng phát triển, giống trong nước chỉ đáp ứng được 30%, còn lại nhập từ Trung Quốc giá rẻ nhưng tôm nuôi chậm lớn, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, khiến ngành tôm luôn bấp bênh.

Khâu xét nghiệm tôm giống còn vướng mắc. Ví như ở Cà Mau, đề án xét nghiệm tôm giống miễn phí đã được triển khai nhưng người nuôi chưa thấy mặn mà (mỗi hộ chỉ được hỗ trợ xét nghiệm 1 lần/năm, trong khi hộ nghèo, cận nghèo canh tác nhỏ lẻ, thả nuôi nhiều lần, không tuân thủ mùa vụ, nhận thức chưa thấu đáo), nên triển khai gặp nhiều khó khăn.

 

Hy vọng gì năm 2013

Tháo gỡ khó khăn cho ngành tôm giống là vấn đề lâu dài, cần đầu tư thỏa đáng và quyết tâm xử lý triệt để. Tổng cục Thủy sản dự kiến năm 2013 tập trung kiểm soát chặt chất lượng tôm giống, đưa Vibrio vào đối tượng kiểm soát. Rà soát điều kiện sản xuất các trại tôm giống, từ chất lượng tôm bố mẹ, nguồn nước, chế phẩm, quy trình quản lý trại giống đảm bảo tôm giống chất lượng, không nhiễm virus, vi khuẩn.

Xác định được vấn đề chất lượng giống là một trong những yếu tố đầu vào quyết định thành công nghề nuôi tôm. Không chỉ các cấp các ngành chủ động quản lý hiệu quả mà còn cần người nuôi tôm có nhận thức thấu đáo.

>> Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre: Phải quản lý được việc thả giống của người dân, nhất là việc chuẩn bị ao đầm thời gian qua chưa tốt. Chất lượng tôm giống cần được tăng cường quản lý hơn. Hai yếu tố đó nếu năm tới tăng cường quản lý và cùng với giải pháp đang hoàn chỉnh từng bước về thủy lợi phục vụ cho vùng nuôi thì dịch bệnh sẽ giảm đi nhiều.

Khai Tâm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!