(TSVN) – Ecuador là nhà sản xuất tôm lớn nhất thế giới, với sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn mỗi năm. Thành tựu này không đạt được trong một sớm một chiều mà là kết quả của hơn hai thập kỷ nỗ lực bền bỉ.
Thành công của ngành tôm Ecuador phần lớn nhờ vào việc sử dụng nguồn gen địa phương. Trước năm 2000, nước này liên tục đối mặt với dịch bệnh do sử dụng tôm giống tự nhiên và nhập khẩu. Để khắc phục, Ecuador chuyển sang phát triển tôm bản địa, tập trung tạo đàn bố mẹ có khả năng thích nghi tự nhiên với mầm bệnh, thay vì sử dụng giống tôm sạch bệnh (SPF).
Họ bắt đầu chọn lọc những con tôm khỏe mạnh nhất đã thích nghi và phát triển tốt trong môi trường địa phương. Để duy trì chất lượng, họ áp dụng các tiêu chí nghiêm ngặt nhằm loại bỏ mầm bệnh và kiểm soát mức độ mầm bệnh thấp khi chọn giống. Bên cạnh đó, họ cũng áp dụng phương pháp không cắt mắt tôm, giúp giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe tổng thể và khả năng chịu đựng của chúng.
Suốt 25 năm qua, mỗi thế hệ tôm mới đều được chọn lọc di truyền để cải thiện khả năng kháng bệnh và sức chống chịu tốt hơn. Hiện tại, Ecuador có 9 công ty đang triển khai chương trình cải tiến di truyền, trong khi 20 công ty khác quản lý các cơ sở tôm giống và cung cấp tôm giống cho ngành công nghiệp. Các chương trình này sử dụng dấu hiệu di truyền tiên tiến và công nghệ sinh học, hoàn toàn dựa vào nguồn tôm địa phương.
Ecuador có tổng diện tích nuôi tôm lên tới 232.071 ha, với sản lượng trung bình 5 tấn/ha mỗi năm, mật độ nuôi dao động 15 – 25 PL/m². Tuy nhiên, trại tôm thường có quy mô lớn, với đa số ao nuôi rộng 10 – 20 ha gây khó khăn trong việc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học. Thay vào đó, nông dân sử dụng chế phẩm sinh học để tăng cường lợi khuẩn và kiểm soát vi khuẩn có hại, coi đây là giải pháp tự nhiên thay thế cho biện pháp an toàn sinh học.
Do không thể áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, cũng như khử trùng hay lọc toàn bộ nước, Ecuador phải áp dụng phương pháp tự nhiên hơn trong hệ thống nuôi, với mật độ thấp và cách quản lý khác biệt so với các hệ thống nuôi tôm công nghiệp. Tuy nhiên, họ vẫn sử dụng một số công nghệ, và hệ thống truy xuất nguồn gốc chính xác.
Theo Yahira Piedrahita, Giám đốc điều hành Phòng Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia Ecuador (CNA), mỗi trang trại có tiêu chuẩn sản xuất riêng và duy trì chất lượng nước là yếu tố hàng đầu. Một yếu tố quan trọng là sử dụng thức ăn chức năng được điều chỉnh phù hợp với đặc thù của điều kiện nuôi trồng địa phương về độ mặn, mật độ nuôi và nguy cơ dịch bệnh. Hiện, các trại tôm Ecuador đã áp dụng công nghệ mới như máy cho ăn tự động, sục khí cơ học, trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật giám sát tiên tiến để nâng cao năng suất.
Ngành tôm ở Ecuador chủ yếu do các công ty tích hợp theo chiều dọc chi phối. Nhiều công ty sở hữu trại giống, trang trại và nhà máy chế biến, trong khi một số khác chỉ tập trung vào các phân khúc cụ thể. Toàn bộ chuỗi sản xuất hoạt động trong nước, ngoại trừ các công ty thức ăn gia súc đa quốc gia cung cấp nguyên liệu. Mô hình kinh doanh này tạo ra một ngành công nghiệp tập trung, với ít nhà đầu tư chủ chốt ra quyết định, giúp quá trình ra quyết định nhanh chóng và chiến lược.
Ecuador có khả năng điều chỉnh sản phẩm linh hoạt và nhanh chóng đáp ứng thay đổi thị trường, nhất là khi có biến động lớn như COVID-19. Trong đại dịch, thay vì tiếp tục xuất khẩu tôm nguyên con sang Trung Quốc, Ecuador chuyển sang sản phẩm giá trị gia tăng, giúp gia tăng thị phần tại Mỹ. Vị trí địa lý thuận lợi cũng mang lại lợi thế, giúp Ecuador tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thị trường Mỹ.
Một yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của ngành tôm ở Ecuador là tầm nhìn chung về tương lai. Các ngành hợp tác chặt chẽ để đạt mục tiêu chung, đặc biệt trong việc thúc đẩy phương pháp nuôi bền vững. Những năm 2012 – 2013, Ecuador khởi xướng sáng kiến “Tôm tốt nhất thế giới”, ban đầu nhắm đến thị trường địa phương. Sau đó, Ecuador nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, áp dụng các phương pháp tốt nhất và hợp tác với châu Âu để tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của họ. Nông dân đã thích ứng với các tiêu chuẩn này, đồng thời giảm sử dụng kháng sinh để tránh bị từ chối xuất khẩu. Các trang trại phối hợp thúc đẩy tiêu thụ tôm trong nước và toàn cầu, định vị tôm Ecuador là sản phẩm chất lượng cao, lấy chất lượng làm thông điệp marketing chủ chốt.
Chính phủ không trợ cấp tài chính trực tiếp, chỉ hỗ trợ quy định, giám sát, tiếp cận thị trường và chứng nhận. Ngành tôm phải tự tìm giải pháp và hợp tác với chính phủ để đề xuất các thay đổi về quy định hoặc sáng kiến giúp giải quyết các thách thức.
“Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các mục tiêu chung. CNA là tổ chức duy nhất tại Ecuador, kết nối các thành viên trong chuỗi sản xuất tôm – từ công ty thức ăn, trại giống, trang trại, nhà máy chế biến, nhà xuất khẩu cho đến các công ty quốc tế tại Ecuador. Cấu trúc này giúp các nhà hoạch định chính sách làm việc với một đại diện duy nhất thay vì phải xử lý nhiều quan điểm khác nhau”, Piedrahita chia sẻ.
Mô hình sản xuất của Ecuador phù hợp hơn với các trang trại truyền thống và bán thâm canh có năng suất thấp (khoảng 0,5 – 2 tấn/ha/năm). Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp của Ecuador không thể thực hiện độc lập mà cần một hệ sinh thái phát triển đồng bộ, gồm tôm bố mẹ chất lượng cao, phụ gia thức ăn hiệu quả, các phương pháp bền vững, chuỗi cung ứng hiệu quả và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ. Ngoài ra, các yếu tố phi kỹ thuật – như khả năng hợp nhất toàn bộ chuỗi giá trị tôm – cung cấp những bài học quý giá cho các quốc gia sản xuất tôm khác học hỏi.
Tuấn Minh
(Theo Thefishsite)