(TSVN) – Lượng tôm sang Trung Quốc, một trong những thị trường xuất khẩu tôm chủ lực của Ecuador giảm mạnh trong năm 2020 do đại dịch Covid-19. Đây cũng là nguyên nhân thúc đẩy các nhà xuất khẩu tôm nước này nỗ lực bù đắp sụt giảm doanh số bằng cách tìm kiếm cơ hội tại thị trường Mỹ.
Ngành tôm Ecuador đang cố gắng gia tăng thị phần tại các phân khúc mới như bán lẻ (siêu thị và kênh bán hàng trực tuyến) cùng nhiều phân khúc khác có nhu cầu đối với mặt hàng tôm thịt và các sản phẩm giá trị gia tăng.
Ecuador đang thực hiện chiến lược khác biệt hóa sản phẩm với 2 trọng tâm nuôi bền vững và chất lượng cao
Nỗ lực này cho thấy sự gia tăng về đầu tư lẫn chi phí chế biến sản phẩm tôm trước đây thường được sử dụng để bán sang các quốc gia và các kênh phân phối khác dưới dạng nguyên con, theo Jose Antonio Camposano, Chủ tịch Hiệp hội nuôi trồng thủy sản quốc gia Ecuador (CAN).
Các cổng thông tin điện tử tập trung vào doanh số của sản phẩm nuôi trồng thủy sản đã thay đổi về giá bán và đối tượng người tiêu dùng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho tôm Ecuador bán tốt hơn tại thị trường Bắc Mỹ.
Trong một bài phân tích mới đây, Willem van der Pijl, chuyên gia tư vấn cho cổng thông tin điện tử Shrimpinsights cho biết, rất nhiều người mua đã chuyển từ tôm Indonesia sang Ecuador vì người nuôi tôm tại Indonesia có xu hướng tập trung vào tôm cỡ lớn hơn. Willem van der Pijl cũng nhấn mạnh, CAN và Tổ chức đối tác tôm bền vững (SSP) đang tích cực xúc tiến tôm Ecuador và đặt mục tiêu tạo dựng sự khác biệt cho sản phẩm tôm của Ecuador trước các đối thủ cạnh tranh châu Á, trong đó trọng tâm là tập trung vào bền vững và chất lượng cao. Theo Shrimpinsights, với chiến lược này, Ecuador đang nỗ lực thâm nhập các thị trường bán lẻ của Mỹ và châu Âu vốn đang được chiếm hữu bởi các nhà cung cấp đến từ châu Á.
Chủ tịch CAN cho biết, sản phẩm tôm của Ecuador được sản xuất và đạt những tiêu chuẩn cao hơn các đối thủ khác tại châu Á kể từ khi lãnh đạo ngành nông nghiệp nước này nghiêm cấm sử dụng kháng sinh. Camposano khẳng định: Cuộc cạnh tranh với tôm châu Á vẫn rất khốc liệt, nhưng tôm châu Á cũng vướng phải vấn đề lớn đó là lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, dẫn đến sự việc tôm xuất khẩu bị trả về nhưng tôm Ecuador lại tránh được các lỗi này.
Lợi thế địa lý gần thị trường Mỹ hơn và có nguồn cung ổn định quanh năm cũng giúp ngành tôm tự tin đẩy mạnh xuất khẩu sang Bắc Mỹ. Ngành này cũng kỳ vọng tăng trưởng tại thị trường Bắc Mỹ để cứu vãn doanh số đang sụt giảm tại các thị trường lớn như Trung Quốc.