T2, 02/10/2023 10:18

Thủy sản Việt Nam số 19 – 2023 (410)

(TSVN) – Xuất bản ngày 1/10/2023

Thưa quý vị bạn đọc!

Các thị trường lớn trên thế giới hiện nay đều yêu cầu minh bạch chuỗi cung cấp sản phẩm. Cũng chính vì thế, các dịch vụ thông minh, kỹ thuật số và sáng tạo đã trở thành trọng tâm phát triển trong các hệ thống cung ứng thủy sản.

Chuỗi là một loạt các hoạt động sản xuất kinh doanh có liên kết với nhau, từ việc cung cấp đầu vào, sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến và cuối cùng là bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Chuỗi liên kết phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP). Bởi vì, chất lượng tạo thịnh vượng; tạo giá trị gia tăng, làm nên thương hiệu thực phẩm. ATTP để đảm bảo sức khỏe nhân dân và mở cửa thị trường. Minh bạch về chất lượng và ATTP, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ để tạo niềm tin của người tiêu dùng. Khi đảm bảo chất lượng, an toàn minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm sẽ phát triển bền vững ngành nông nghiệp, kinh tế xã hội đất nước.

Cùng tìm hiểu sâu hơn về những giải pháp để Việt Nam ngày một chủ động hơn trong việc nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu thị trường thông qua việc minh bạch chuỗi cung ứng; trong chuyên mục Tiêu điểm & Sự kiện trên số báo phát hành kỳ 1/10 này, Thủy sản Việt Nam đã có loạt bài viết xoay quanh chủ đề “Minh bạch chuỗi cung ứng thủy sản”; mời quý độc giả đón đọc!

Trong phát triển ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng, lĩnh vực thú y đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Như nhận định của Bộ NN&PTNT, nếu không làm tốt công tác này, không những không đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng mà còn không đảm bảo được kế hoạch xuất khẩu, mục tiêu về ATTP và ảnh hưởng trực tiếp tới người nuôi cũng như tốc độ phát triển của ngành. Do đó, lĩnh vực thú y và thủy sản có vai trò và quan hệ mật thiết với nhau, cùng cần phối hợp nhuần nhuyễn hơn để tạo đà phát triển. Để thúc đẩy hơn nữa sự phối hợp của hai ngành, ngày 22/9 vừa qua, Cục Thú y và Cục Thủy sản đã ký “Quy chế phối hợp trong công tác thú y thủy sản và quản lý nuôi trồng thủy sản”. Quy chế gồm 3 Chương và 8 Điều, trong đó quy định cụ thể nguyên tắc, trách nhiệm, nội dung và phương thức phối hợp giữa hai đơn vị, cùng chia sẻ thông tin, tài liệu và số liệu về nuôi trồng thủy sản; quan trắc cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản; phòng, chống dịch bệnh thủy sản; phòng, chống kháng thuốc kháng sinh, quản lý giống thủy sản, kiểm dịch động vật thủy sản; quản lý thuốc thú y thủy sản; quản lý thức ăn thủy sản; sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản…

Theo dự kiến, từ ngày 10 – 18/10, Đoàn Thanh tra lần thứ 4 của EC sẽ sang Việt Nam làm việc kiểm tra về hoạt động chống khai thác IUU. Trong đó tập trung vào kiểm tra các khuyến nghị của Đoàn sau chuyến thanh tra lần thứ 3 vào tháng 10/2022, để đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ hoặc duy trì cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Theo Bộ NN&PTNT, quá trình làm việc với Đoàn tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về chống khai thác IUU, tiến tới hài hòa quy định quốc tế và phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản Việt Nam; tạo niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau đối với hiện trạng, những nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong chống khai thác IUU cũng như trong chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững qua thực thi Luật Thủy sản 2017.

Cùng đó là diễn biến về tình hình sản xuất thủy sản trong nước, quốc tế cùng cập nhật những công nghệ mới về thủy sản, cách làm hay sáng tạo trong nuôi trồng thủy sản… cũng được cập nhật trên số báo phát hành kỳ này. Mời quý độc giả đón đọc!

Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau: 

    Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.

    Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:

    Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

    Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.

    Điện thoại: (024) 377 11 756

    Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn

    Trân trọng!

    Ban Biên Tập

    error: Content is protected !!