(TSVN) – Xuất bản ngày 1/11/2023
Thưa quý vị bạn đọc!
Sau khi kết thúc đợt kiểm tra IUU lần thứ 4 tại Việt Nam, từ ngày 10 – 18/10/2203, Đoàn thanh tra của EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU, đặc biệt là quyết tâm chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam. Đoàn cũng đánh giá sự chuyển biến tích cực, đi đúng hướng và sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương; đồng tình với chính sách của Việt Nam về chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm đã có chuyển biến tích cực. Có thể thấy, trong công cuộc chống khai thác IUU, vai trò của ngư dân hết sức quan trọng, là nhân tố chủ lực trong việc chuyển đổi và hướng đến nghề cá phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT từng nhận định, trong giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản, chống khai thác IUU, ngoài công cụ bằng pháp luật thì còn có sức mạnh cộng đồng và nguồn lực kinh tế. Ngành thủy sản phải xây dựng chiến lược là ngư nghiệp – ngư dân – ngư trường, xây dựng cơ chế đồng quản lý là người dân cùng có trách nhiệm, nâng cao nhận thức từ người dân, cán bộ địa phương, mục tiêu là gỡ “thẻ vàng” EC, chống khai thác IUU.
Ông Nguyễn Chu Hồi, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, mục tiêu xây dựng nghề cá bền vững và có trách nhiệm là nội dung không chỉ về phát triển kinh tế mà còn gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Với mục tiêu chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại gắn với phát triển bền vững, ngành nông nghiệp đang xây dựng dự thảo Đề án Ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Đề án Tam ngư). Đây là chính sách quan trọng góp phần phát triển ngành thủy sản hiệu quả, có trách nhiệm; đóng góp vào phát triển kinh tế biển và bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Việc xây dựng Đề án Tam ngư, nhằm phát huy sức mạnh nội tại của cộng đồng ngư dân, cơ chế thị trường, tranh thủ hợp tác quốc tế để huy động nguồn lực và sự chủ động vươn lên của cộng đồng ngư dân trong phát triển bền vững ngư nghiệp, ngư trường, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ngư nghiệp.
Những nội dung này đã được Tạp chí Thủy sản Việt Nam phản ánh sâu sắc qua loạt bài viết với chủ đề: Chính sách “tam ngư”: Mở tầm nhìn hướng biển; Hướng đến nghề cá hiện đại: Phát huy vai trò chủ thể của ngư dân.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 10 tháng đầu năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã đạt 43 tỷ USD; trong đó, ngành thủy sản cũng thu về trên 7 tỷ USD. Một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào thành tích chung này đó là vai trò của khoa học công nghệ. Riêng với lĩnh vực thủy sản, giai đoạn 2018 – 2022, toàn ngành đã xây dựng được 56 quy trình công nghệ nuôi, sản xuất giống, khai thác, bảo quản, chế biến sản phẩm được công nhận tiến bộ kỹ thuật; chọn tạo được 23 giống cá, tôm tăng trưởng, tỷ lệ sống cao, chất lượng tốt… Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, trước bối cảnh khó khăn nhưng ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, lợi thế, nên rất cần tinh thần đam mê nghề nghiệp, quyết tâm, quyết liệt và kiên trì của các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp, để đóng góp ngày càng nhiều hơn về khoa học công nghệ, đưa ngành thủy sản phát triển bền vững.
Ngoài ra, trên số báo phát hành kỳ này, Tạp chí cũng cập nhật những sự kiện nổi bật của ngành như: Lễ kỷ niệm 30 năm khuyến nông Việt Nam (1993 – 2023); Lễ hội tôm, cá sông Đà tỉnh Hòa Bình; Hội nghị thủy sản toàn quốc với chủ đề “Phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa”; Hội nghị Chuyên đề “Xuất khẩu tôm tỉnh Bạc Liêu năm 2023”; cùng diễn biến thị trường thủy sản trong nước, quốc tế. Mời quý độc giả đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau:
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.
Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập