(TSVN) – Xuất bản 01/12/2022.
Thưa quý vị bạn đọc!
Theo Bộ NN&PTNT, 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính trên 20,73 tỷ USD, tăng 6,6%; lâm sản chính khoảng 15,59 tỷ USD, tăng 8,2%; thủy sản đạt 10,14 tỷ USD, tăng 27%; chăn nuôi 361,4 triệu USD, giảm 8,4%; đầu vào sản xuất trên 2,2 tỷ USD, tăng 38,1%. Tại Hội thảo ngành thủy sản 2023 với chủ đề “Nhận diện thách thức và giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng” diễn ra vào ngày 26/11/2022, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhận định, bên cạnh những lợi thế thì xuất khẩu thủy sản cũng đang đối mặt với nhiều thách thức ở phía trước. Kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu hàng hóa và thực phẩm nói chung, thủy sản nói riêng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm về khối lượng và cả giá nhập khẩu so với năm 2022. Lạm phát trong nước và các chi phí sản xuất và xăng dầu tiếp tục tăng, làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản. Thị trường tiêu thụ chậm lại, nhiều nhà nhập khẩu hủy/hoãn nhận hàng khiến chi phí lưu kho và các chi phí hậu cần khác tăng…
Trong bối cảnh thị trường thế giới nhiều biến động, thời gian qua Chính phủ và các bộ ngành, chủ lực là Bộ NN&PTNT đã có nhiều chỉ đạo thực hiện việc xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản trong nước và trên quy mô toàn cầu. Mới đây, Hội thảo “Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản” với sự tham gia của 9 hội và hiệp hội ngành hàng thủy sản đã thống nhất về việc tăng cường liên kết để tạo động lực đưa ngành thủy sản lên tầm cao mới. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, cần phối hợp giữa các hội và hiệp hội với Bộ NN&PTNT phát huy tiềm năng lợi thế toàn ngành để phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược phát triển thủy sản bền vững đến năm 2030. Một trong những giải pháp được đưa ra đó là gỡ bỏ thách thứ để chủ động tham gia chuỗi nông sản toàn cầu, góp phần nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, để hóa giải các thách thức cho các doanh nghiệp thủy sản, mới đây, VASEP đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, báo cáo các khó khăn vướng mắc tác động tới năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản cuối năm 2022 và 2023. Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề rào cản, thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi và phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
So với nuôi tôm thì nuôi sá sùng khả năng thành công cao, không sợ dịch bệnh, được hỗ trợ khoa học kỹ thuật, con giống…; cùng đó, thị trường luôn hút hàng, giá mỗi năm một tăng, hiện ở mức 200.000 – 300.000 đồng/kg sá sùng tươi. Đây chính là những ưu điểm vượt trội mà mô hình nuôi sá sùng mang lại và hứa hẹn nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế của người dân. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin này qua bài viết với chủ đề “Triển vọng từ nghề nuôi sá sùng” trên số báo ngày 1/12/2022 của Tạp chí Thủy sản.
Một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, người nuôi đó là việc Skretting Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành nhà máy thức ăn cá Lotus II tại tỉnh Long An. Nhà máy mới được giới chuyên gia trong ngành đánh giá là nhà máy hiện đại nhất Việt Nam. Nằm trong khuôn viên có diện tích 20.800 m2, được xây dựng hình tòa tháp cao, biểu tượng của tầm cao mới. Nhà máy có 2 dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất 100.000 tấn/ năm, với tổng vốn đầu tư 24 triệu USD.
Ngoài ra, trên số báo phát hành kỳ này, Tạp chí cũng giới thiệu đến bạn đọc một số thông tin về thị trường trong nước, quốc tế, đời sống của ngư dân… Mời quý độc giả đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau:
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.
Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập