(TSVN) – Xuất bản ngày 16/3/2022.
Thưa quý vị bạn đọc!
2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm tạo nên sự bất ngờ và cũng hết sức ấn tượng khi đạt giá trị kim ngạch gần 1,5 tỷ USD, tức tăng 51,1% so cùng kỳ; trong đó, thị trường Mỹ có mức tăng cao nhất đến 84%. Theo dự báo, các thị trường lớn nhất sẽ nhanh chóng phục hồi nhu cầu và vấn đề kẹt cảng ở Mỹ sẽ được giải quyết trong tháng 6 tới đây. Đối với tình hình nuôi tôm trong nước, theo báo cáo từ các địa phương có diện tích nuôi tôm lớn, như: Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đều cho thấy rất lạc quan cả về tiến độ thả nuôi lẫn mức độ thành công.
Tuy nhiên, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2022 và ký kết quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022 do Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng mới đây; Việt Nam đang có rất nhiều mô hình nuôi tôm thành công, hiệu quả cao nhưng công tác thông tin, truyền thông chưa được thực hiện tốt nên việc nhân rộng mô hình vẫn còn hạn chế. Do đó, đẩy mạnh chuyển giao và nhân rộng các mô hình nuôi hiệu quả bằng nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, cần tổ chức liên kết người nuôi với nhau và người nuôi với doanh nghiệp một cách thực chất; vì chỉ có liên kết tốt theo chuỗi giá trị sản xuất một cách thực chất chúng ta mới giải quyết được bài toán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, từ đó sản xuất mới hiệu quả và bền vững. Nội dung này đã được phản ánh sâu sắc qua bài viết “Tiềm năng lớn, thách thức nhiều” trên số báo phát hành ngày 16/3/2022 của Tạp chí Thủy sản Việt Nam.
Cùng với đó, khó khăn của người nuôi tôm tại các tỉnh trọng điểm khu vực ĐBSCL chính là việc tiếp cận nguồn vốn cho sản xuất còn khá chật vật. Như chia sẻ của ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, sau 20 năm nuôi tôm, hiện phần lớn diện tích nuôi tôm của tỉnh vẫn chưa được nâng cấp, tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ mới nên người nuôi vẫn gặp không ít rủi ro về thời tiết, môi trường, dịch bệnh… Nguyên nhân chủ yếu là do sau thời gian thua lỗ, nhiều hộ dân không còn vốn để đầu tư, không còn tài sản thế chấp ngân hàng để được vay mới. Chính vì vậy, để có thể phát triển được tiềm năng thế mạnh từ nuôi tôm, các hộ nuôi rất cần sự tiếp sức từ phía các ngân hàng để có thể tiếp cận được nguồn vốn vay, có thêm động lực mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 2, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 637,8 triệu USD, tăng 62,5% so tháng 2/2021, đạt mức cao kỷ lục trong tháng 2 các năm. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,51 tỷ USD tăng 50,5% so cùng kỳ năm 2021 và tăng 35,4% so cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine và ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao đang gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và xuất, nhập khẩu nông lâm, thủy sản của Việt Nam. Với lĩnh vực thủy sản, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Nga cũng đang gặp nhiều bất lợi. Ghi nhận của VASEP, nỗi lo lớn nhất của ngành thủy sản trong cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine là giá xăng dầu trên thế giới và tại Việt Nam đang tăng lên cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn tới hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân, mà còn làm tăng đáng kể chi phí, giá thành sản xuất của các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Hiện, các cước phí vận chuyển thủy sản xuất khẩu đi châu u, Mỹ… đã rục rịch tăng.
Ngoài ra, trên số báo phát hành lần này, Tạp chí cũng cập nhật tình hình thủy sản thế giới, các thông tin khoa học kỹ thuật cùng những mô hình NTTS hiệu quả ở trong nước và thế giới. Mời quý độc giả đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau:
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.
Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập