(TSVN) – Một báo cáo mới đây của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã xác định tiềm năng sản xuất cá rô phi của Bờ Biển Ngà có thể đạt 68.000 tấn vào năm 2031 thông qua chuỗi giá trị có cấu trúc hơn.
Báo cáo, dựa trên phân tích chuỗi giá trị FISH4ACP, cho thấy Bờ Biển Ngà có thể sử dụng chiến lược 10 năm để tăng sản lượng cá rô phi từ 6.000 tấn đến 8.300 tấn hiện tại trong năm. Đây là một trong năm quốc gia đầu tiên ở châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương được phân tích bởi chương trình phát triển chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu, FISH4ACP. Những nghiên cứu này là một phần trong chương trình của FAO, tập trung vào việc làm cho chuỗi giá trị thủy sản và nuôi trồng thủy sản trở nên năng suất và bền vững hơn.
Tiềm năng sản xuất cá rô phi của Bờ Biển Ngà có thể đạt 68.000 tấn vào năm 2031. Ảnh: Peixe BR
Tại Senegal, sự phát triển của nghề nuôi hàu hiện đại có thể thúc đẩy sản lượng hàu quốc gia thêm 30% lên 21.000 tấn vào năm 2031, báo cáo nêu rõ. Giá trị gia tăng có thể tăng gấp ba lên 12,6 triệu USD và số lượng việc làm toàn thời gian tăng gấp đôi từ 6.500 lên gần 11.000.
Trong khi đó, ở Tanzania, việc mở rộng cơ sở hạ tầng chế biến giá trị gia tăng và dây chuyền lạnh cho sản xuất thủy sản ở hồ Tanganyika có thể tăng giá trị cho chuỗi cung ứng lên 12% và thu nhập của các nhà chế biến thủy sản lên trung bình 42%.
Tại Quần đảo Marshall, giá trị thương mại cá ngừ có thể tăng lên 55 triệu USD vào năm 2031 với một vài thay đổi đơn giản như sử dụng các máy chất hàng hiệu quả hơn để chất đầy cá ngừ vào các container.
Cuối cùng, tại Guyana, báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tình trạng sản lượng đánh bắt tôm càng giảm trong khi thúc đẩy nghề cá thủ công, đặc biệt là tăng cường vị thế của phụ nữ.
Ông Van De Walle Gilles, Trưởng cố vấn kỹ thuật FISH4ACP của FAO, cho biết: “Sáng kiến này đánh dấu một bước quan trọng hướng tới sự chuyển đổi xanh trong nghề cá và nuôi trồng thủy sản ở Châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương, không chỉ mang lại lợi ích cho ngư dân và cộng đồng mà còn đảm bảo tăng trưởng đi đôi với bền vững môi trường và hòa nhập xã hội”.
“Chúng tôi rất vui mừng khi thấy FISH4ACP mở ra tiềm năng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở các quốc gia ACP (châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương). Cần phải thúc đẩy ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản vì chúng đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm bền vững và an ninh lương thực và dinh dưỡng”, bà Cristelle Pratt, Trợ lý Tổng thư ký của Tổ chức các quốc gia châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương cho biết thêm.
Hải Phong
(Theo Undercurrent News)