T2, 06/07/2020 09:58

GaqP và kỳ vọng tôm “sạch”

Chưa có đánh giá về bài viết

Quy phạm thực hành nuôi tốt (GAqP) được áp dụng cho nuôi tôm nước lợ tại huyện Núi Thành và Hội An trong năm nay đã mở ra triển vọng về việc xác lập vùng nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm và hạn chế dịch bệnh.

Nuôi tôm an toàn

Trong khi nhiều hộ nuôi trên địa bàn tỉnh đang hối hả bước vào vụ 1 – 2012 thì tại Hội An, hầu hết các hộ nuôi chỉ mới bước đầu cải tạo ao nuôi và chọn giống. Lý giải về việc “chủ động” trễ vụ của người nuôi, ông Nguyễn Văn Nguyên – cán bộ phụ trách thủy sản tại vùng chuyên canh tôm xã Cẩm Thanh (Hội An) cho rằng năm nay 2 tổ nuôi tôm cộng đồng Biền Lăng và Hóc Rộ (thôn 8, Cẩm Thanh) lần đầu áp dụng nuôi tôm theo hướng GAqP nên người dân đã đồng bộ tiến hành các khâu theo đúng quy trình đã được tập huấn. Người nuôi chỉ bắt đầu vào vụ khi thời tiết đã nắng ấm. 

 

alt

Cho ăn đúng quy trình kỹ thuật sẽ giúp tôm có sức đề kháng tốt. 

 

Dạo qua hai vùng nuôi áp dụng GAqP trên cánh đồng tôm Hóc Rộ và Biền Lăng (có tổng diện tích 20ha), chúng tôi nhận thấy người nuôi chuẩn bị rất chu đáo trong mọi công đoạn thả nuôi. Ông Nguyễn Minh Thành (tổ nuôi tôm cộng đồng thôn Hóc Rộ) cho biết, bước vào vụ này gia đình ông kiên quyết nuôi tôm “sạch” trên diện tích 5.000m2. “Anh có thấy bờ ao được gia đình chúng tôi xây dựng kiên cố không? Ao nuôi rất an toàn bởi đã tránh được hiện tượng nước thấm lậu, rò rỉ. Hệ thống ao nuôi cũng có khu vực thu gom bùn và nước thải. Ngoài ra, chúng tôi cũng thiết kế được các kênh cấp và thoát nước riêng biệt” – ông nói. Ông Nguyễn Viết Luyện, Tổ trưởng tổ nuôi tôm cộng đồng Biền Lăng cũng cho biết, bước vào vụ 1 nuôi tôm thẻ chân trắng này, các nông hộ tại tổ nuôi tôm cộng đồng đã chuẩn bị đầy đủ máy móc, thiết bị, dụng cụ cho nuôi tôm, các bộ test đo môi trường như pH, độ kiềm, khí độc…  và “tin rằng hướng tiếp cận nuôi tôm “sạch” sẽ đảm bảo an toàn, hiệu quả sản xuất”.

 

alt

Cải tạo ao nuôi bước vào vụ mới.

 

Cũng được tập huấn về áp dụng GaqP, hiện các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Tam Hòa (Núi Thành) chuẩn bị sẵn một hồ sơ ghi chép chi tiết về quá trình nuôi tôm. Nhiều nông dân cho biết, các thông tin về tốc độ tăng trưởng, tình trạng sức khỏe tôm nuôi, các biến đổi của các yếu tố môi trường sẽ được giám sát và ghi lại thường xuyên nhằm kiểm soát và có biện pháp kỹ thuật, phòng trị bệnh hữu hiệu cho tôm nuôi. “Việc sử dụng thuốc, hóa chất cũng sẽ được chúng tôi lưu lại làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, qua đó sản phẩm sẽ được tiêu thụ dễ dàng hơn” – ông Lê Văn Tuấn, chủ hộ nuôi trên diện tích 20.000m2 ở thôn Hòa Bình (Tam Hòa) nói.

 

Liên kết cộng đồng

Thực tế cho thấy, việc áp dụng GAqP trong nuôi tôm nước lợ ở nhiều địa phương có hạ tầng vùng nuôi tốt trong cả nước đã đem lại lợi nhuận cao. Nhiều ý kiến đánh giá của các chuyên gia cũng cho thấy, nuôi tôm theo hướng GAqP sẽ hiệu quả hơn khi được áp dụng vào các nhóm, tổ hợp tác, chi hội nuôi trồng thủy sản… theo những quy tắc, điều lệ đã được thống nhất và phê chuẩn. Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, nếu tận dụng hiệu quả hoạt động của các tổ cộng đồng nuôi tôm nước lợ đã được hình thành lâu nay thì xu hướng GaqP sẽ càng triển vọng hơn tại Quảng Nam. Người nuôi cùng nhau cải tạo ao, kiểm tra và mua giống, lấy và thải nước hợp lý, quản lý môi trường, cung cấp nguyên vật liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… nên kiểm soát được chất lượng sản phẩm tôm nuôi. Ngoài ra, việc liên kết sản xuất cũng giúp cho ngành chức năng dễ dàng kiểm tra, cấp chứng nhận sản phẩm thu hoạch đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Một yếu tố khác cũng rất quan trọng trong nuôi tôm theo hướng GaqP là có thể khống chế dịch bệnh. Bởi trong sản xuất, người nuôi ít khi quan tâm đến quản lý sức khỏe tôm nuôi dựa vào nguyên nhân gây bệnh mà thường chú ý đến cách trị bệnh cho tôm. Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, việc xuất hiện bệnh trên tôm nuôi là do tương quan tổng hợp của 3 yếu tố là môi trường, tôm nuôi và mầm bệnh. Chi cục khuyến cáo, để khống chế dịch bệnh, các tổ nuôi tôm cộng đồng cần đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi, đưa môi trường nuôi về ngưỡng thích hợp để thuận lợi cho công tác tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Bởi vậy, các nông hộ không nên dùng chất diệt khuẩn sau khi sử dụng chế phẩm vi sinh để ổn định môi trường, bổ sung chất bổ cho tôm ăn mà không kết hợp với kháng sinh phòng bệnh…

>> Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, môi trường ao nuôi, các yếu tố hữu sinh như virut, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng, tảo độc; hóa chất, thuốc, phân bón và thức ăn cho tôm nuôi luôn tiềm ẩn các nguy cơ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi vậy, khi quan sát thấy bùn màu đen, các nông hộ cần loại bỏ ngay hoặc sử dụng các chế phẩm để phân hủy và hấp thu khí độc.

Nguyễn Quang Việt

Theo Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!