Những ngày qua, ngư dân trên địa bàn tỉnh An Giang rất phấn khởi bởi giá bán các mặt hàng cá chợ tăng trở lại. Từ cá điêu hồng, cá hú, cá he đến các loại cá đặc sản, như: Cá heo, trạch lấu, cá dứa, mè hôi… đều tăng.
Cụ thể, cá điêu hồng, giá thương lái thu mua tại bè từ 34.000 – 35.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cá đã cắt được lỗ và có lời từ 3.000 – 5.000 đồng/kg (tùy vào tay nghề của người nuôi). Cá điêu hồng là một trong 10 loại cá được nuôi để tiêu thụ nội địa, xuất khẩu sang thị trường Campuchia và các quốc gia khác. Đây là loài cá được người tiêu dùng rất thích, bởi thịt nhiều, ăn rất thơm ngon. Ngoài cá điêu hồng, các loại cá hú, cá sát rất được ưa chuộng. Hiện nay, cá hú được thương lái mua tại bè với giá 42.000 đồng/kg.
“Cá điêu hồng bán tại bè 34.000 đồng/kg, chúng tôi đã có lời. Hai năm vừa qua, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến việc chăn nuôi của chúng tôi, đời sống người nuôi cá vô cùng khó khăn, cá nuôi tới lứa nhưng bán không được, về sau có bán được nhưng giá bán dưới giá thành sản xuất, nhiều người treo bè vì thua lỗ” – ông Trần Văn Thành (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) cho biết.
Toàn tỉnh hiện có trên 5.000 hộ dân nuôi cá bè để tiêu thụ ở thị trường nội địa. Những năm dịch bệnh xảy ra, các loại cá điêu hồng, cá he, cá hú, cá lóc, cá rô đều đồng loạt… rớt giá. Giá cá thương phẩm rớt dưới giá thành sản xuất do đầu ra bị ách tắc. Dịch bệnh COVID-19 lây lan nhanh, thương lái muốn mua cá mang đi để tiêu thụ cũng gặp khó. “Thời điểm các mặt hàng cá chợ rớt dưới giá thành sản xuất, giá thức ăn trên thị trường vẫn giữ nguyên. Nay, các mặt hàng cá chợ được tiêu thụ mạnh trở lại, xuất khẩu được sang thị trường Campuchia thì giá thức ăn tăng đến 7 lần (trong 2 năm 2021 và 2022), từ đó làm cho biên độ lãi của người nuôi cá hẹp lại” – ông Thành lo lắng.
Trước thực tế giá thức ăn liên tục được điều chỉnh tăng, tại các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội, HĐND với cử tri, ngư dân liên tục kiến nghị nhà nước cần có biện pháp kiểm soát giá thức ăn để cứu ngành hàng thủy sản. Song, đến nay, các hãng thức ăn vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán, vì vậy dù giá cá thương phẩm có tăng hơn so với trước, ngư dân có lời nhưng mức lời không cao. Cụ thể, trong giai đoạn hiện nay, mỗi lần điều chỉnh, các hãng thức ăn tăng giá từ 500-1.000 đồng/kg. Hiện, giá 1 bao thức ăn (25 kg) loại 40 độ đạm dao động từ 630.000 – 640.000 đồng, trong khi trước đó, giá chỉ có 490.000 đồng/bao.
Nông dân phấn khởi bởi giá các mặt hàng cá chợ tăng trở lại. Ngoài thị trường nội địa, thương lái còn mua cá lóc, cá rô, cá trê phi, điêu hồng để xuất sang thị trường Campuchia, từ đó các mặt hàng cá chợ đều tăng, ngư dân rất phấn khởi. Thông tin thương lái người Việt mua cá của ngư dân trong tỉnh xuất sang Campuchia làm nhiều người không tin, bởi họ cho rằng, việc đưa các mặt hàng cá nuôi sang Campuchia như “chở củi về rừng”.
Bởi từ lâu, Campuchia được mệnh danh là thủ phủ của các loài cá ngon ở sông Mekong. Song, thực tế này là có thật. Bởi hơn 10 năm qua, khi các nước thượng nguồn, như: Trung Quốc, Myanmar, Lào liên tục xây dựng các con đập để khai thác thủy điện, nguồn nước về Biển Hồ ít dần, nên cá thiên nhiên ít lại. Các yếu tố khác, như: Đánh bắt cá bằng xung điện (kiểu tận diệt), sự bồi lắng của phù sa khiến Biển Hồ cạn dần và không còn là “mỏ cá” như trước đây.
Phát triển nuôi cá đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao
Từ yếu tố khách quan này, một số thương nhân năng động tại An Giang lần lượt đưa mặt hàng cá lóc, cá trê, cá rô sang Campuchia bán cho người tiêu dùng. Hướng đi này đã giúp các thương nhân tăng thu nhập và thị trường Campuchia trở thành một thị trường đầy tiềm năng cho ngư dân lẫn thương lái người Việt. Nếu Campuchia nhập mạnh cá sặc bổi từ Thái Lan thì các loại cá lóc, cá trê, cá rô phải mua của thương lái người Việt vì giá cả rất cạnh tranh, mặt khác cá vận chuyển đến nơi ít bị chết.
“Giá cá của Thái Lan cung ứng vào thị trường Campuchia bị cạnh tranh mạnh với giá cá của người Việt. Để đứng vững ở thị trường này, chúng tôi phát huy lợi thế bằng cách nuôi cá cùng ngư dân. Cụ thể, chúng tôi đầu tư chi phí thức ăn cho cá, sau đó thu mua cá của nông dân để xuất khẩu sang thị trường Campuchia. Một quy trình sản xuất khép kín, đồng bộ nên giá thành nuôi thấp, từ đó giá bán rất cạnh tranh. Qua vụ sản xuất, ngư dân, thương lái đều có lợi nhuận” – ông Hồ Thanh Nam (thương lái mua cá xuất sang thị trường Campuchia) chia sẻ.
Hiện nay, ngoài tham gia nuôi các mặt hàng cá chợ, nông dân trong tỉnh đang đẩy mạnh chuyển hướng đầu tư nuôi các loại cá đặc sản để hiệu quả sản xuất được nâng lên, thị trường rộng mở. Cụ thể, nông dân đang tập trung nuôi các loài cá heo, cá hô, cá dứa, trạch lấu để bán cho các quán ăn, nhà hàng trong cả nước, đồng thời những mặt hàng cá này luôn được thương lái tìm kiếm để xuất khẩu sang các thị trường ngoài nước.
Nguồn: Báo An Giang