Gần 1 tháng qua, giá cá tra tại khu vực ĐBSCL đã tăng trở lại, cụ thể đầu tháng 10-2020, giá cá vẫn ở mức 18.500 đồng/kg, nay đã tăng lên 23.500 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cá tra đã cắt được lỗ, những người có kỹ thuật cao có lời, ngành hàng cá tra khởi sắc trở lại.
Gia đình ông Trần Văn Tuấn (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú, An Giang) những ngày qua phấn khởi trở lại vì giá cá tra thương phẩm (nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu) đã tăng, cụ thể trong đợt thu hoạch này, ông có trên 700 tấn cá nằm trong kích cỡ (size) xuất khẩu đã bán được 300 tấn với giá 23.000 đồng/kg, hơn 400 tấn còn lại ông tiếp tục cho ăn để chờ giá.
“Hai năm theo ngành hàng cá tra, tôi nuôi 3 vụ, lỗ hết 3 vụ vì không “đón” được giá của thị trường. Cứ ngỡ sau đợt giá thấp thì vụ sau giá sẽ tăng và ai cũng nghĩ như vậy, thành ra cùng nhau mua con giống thả nuôi, từ đó sản lượng toàn vùng rơi vào tình trạng “cung vượt cầu”. Nay, giá bán tăng lên 23.500 đồng/kg, tôi bán gần phân nửa, số còn lại chờ đợt tăng tiếp theo mới bán…” – ông Tuấn chia sẻ.
Gần 10 năm qua, giá cá tra trên thị trường không còn lặp lại theo chu kỳ như trước đây, giá lên rồi xuống trong một biên độ rất lớn, bởi phần lớn diện tích thả nuôi của toàn vùng (6.200 ha) là tự phát, từ đó tình trạng quản lý chung của ngành hàng này gặp rất nhiều khó khăn.
Khi giá tăng cao như tháng 10/2018 (32.000 đồng/kg) thì từ Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, TP. Cần Thơ xuất hiện tình trạng nông dân đào hầm thả nuôi cá giống đến cá thịt. Chính sự vào cuộc ào ạt, không trật tự của ngư dân khiến giá cá tra rớt sâu, dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp (DN) lẫn hộ nuôi cá thể thua lỗ.
Nhiều người cho rằng, nếu nhà nước có cách quản lý tốt hơn, vẫn với diện tích thả nuôi như vậy, ngư dân và DN tại khu vực ĐBSCL sẽ giàu lên rất nhanh, chứ không phải thua lỗ như thời gian qua.
“Chưa có ngành hàng nào ở ĐBSCL có lợi thế như ngành hàng cá tra, bởi 1ha mặt nước nuôi cá tra có doanh thu từ 7,5 – 9 tỷ đồng/ha/vụ (tùy vào mật độ thả nuôi), so với cây lúa thì giá trị cao hơn rất nhiều lần. Cá tra nuôi tại ĐBSCL được người tiêu dùng ở 138 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thích ăn, nếu chúng ta có cách quản lý tốt thì mỗi năm ngành hàng này sẽ mang về cho đất nước không phải con số 2,2 tỷ USD, mà còn cao hơn rất nhiều” – ông Cao Lương Tri (ngư dân TP. Long Xuyên) khẳng định.
Ngành hàng cá tra đã khởi sắc trở lại, đây là tin vui cho DN lẫn ngư dân vào thời điểm cuối năm. Hiện nay, cả 4 thị trường lớn nhập mặt hàng cá tra Việt Nam là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU) và Châu Á đều tăng lượng nhập khẩu, với đà tăng trưởng này, hy vọng 2 tháng còn lại của năm nay, ngành hàng này sẽ có nhiều bứt phá.
“Hiện nay, Tập đoàn Nam Việt xuất mỗi tháng từ 300 – 350 container cho các thị trường, đây là tín hiệu đáng mừng. Ngoài sản xuất phục vụ thị trường quốc tế, chúng tôi đã sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng theo tiêu chuẩn, chất lượng Châu Âu để phục vụ người tiêu dùng phía Bắc. Nam Việt xác định, thị trường nội địa là thị trường lớn, chúng tôi xúc tiến đưa hàng vào thị trường này để phục vụ người tiêu dùng trong nước, bởi không có lý do gì mà hàng ngon lại không bán cho dân mình ăn…” – Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.
Hiện nay, các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ cùng các nơi khác đang bước vào giai đoạn chuẩn bị hàng hóa để phục vụ cho lễ Noel, Tết Dương lịch, vì vậy các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tăng cường nhập khẩu hàng hóa để phục vụ 2 sự kiện trên. Thế giới tăng lượng nhập hàng, trong nước thì tăng mua để ủng hộ ngư dân, vì vậy ngành hàng cá tra đã khởi sắc trở lại. Để hướng đến sự ổn định, phát triển bền vững của ngành hàng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều chính sách mang tính bứt phá để vực dậy ngành hàng cá tra. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung đầu tư chương trình giống cá tra 3 cấp để cộng đồng có con giống khỏe mạnh, sạch bệnh. Đồng thời, vận động các tỉnh không phát triển thêm diện tích nuôi mới và đẩy mạnh tái cơ cấu ngành hàng theo hướng chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, hưởng ứng chủ trương này, tỉnh đang quy hoạch lại diện tích nuôi cá tra ở 4 vùng trọng điểm, trong đó sẽ chuyển 500 ha mặt nước nuôi cá tra kém hiệu quả, không đảm bảo an toàn thực phẩm sang nuôi các loài thủy sản khác, đồng thời đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi cá tra chất lượng cao khoảng 200 ha tại cồn Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu).
Với những gì các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã triển khai, hy vọng ngành hàng cá tra sẽ sớm lấy lại thế chủ động trên thương trường, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế chung của đất nước, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương.
>> “Qua theo dõi tình hình xuất khẩu cá tra từ đầu năm đến nay, chúng tôi thấy xu hướng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là rất lớn, mà thị trường này ẩn chứa quá nhiều rủi ro. Giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là việc cần làm ngay để không bị trễ. Cần có một tổ chức chuyên chăm lo phát triển thị trường nội địa cho sản phẩm cá tra để người tiêu dùng trong nước biết đến nhiều hơn sản phẩm cá tra của chúng ta” – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Võ Hùng Dũng gợi ý. |