Giá “phi cơ” của ông Táo tăng gấp đôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cá chép đỏ luôn được nhiều gia đình lựa chọn để cúng ông Công ông Táo trong ngày 23 tháng Chạp. Đến nay, làng nghề nuôi cá chép đỏ nổi tiếng ở Phú Thọ đang tấp nập thương lái đến thu mua, giá cá năm nay tăng gấp đôi nhưng nhiều thương lái vẫn phải quay xe vì hết hàng.

Làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ xưa nay nổi tiếng với cá chép đỏ có hình thức đẹp, màu đỏ rực rỡ như màu cờ, đôi mắt xanh đen, khỏe mạnh, không có đốm trên thân. Cứ đến ngày 20 tháng Chạp hàng năm, làng Thủy Trầm lại tấp nập thương lái từ khắp mọi nơi đổ về, đón những mẻ cá chép đỏ chuyển đi các tỉnh lân cận dịp cúng ông Công ông Táo.

Theo các hộ nuôi cá chép đỏ trong làng, sản lượng cung không đủ cầu nên năm nay giá cá tăng rất mạnh, gấp đôi năm ngoái. Thời điểm này năm ngoái, giá cá chép đỏ chỉ 60.000 – 80.000 đồng/kg nhưng năm nay lên tới 130.000 – 160.000 đồng/kg. Hơn nữa, số hộ chăn nuôi cá chép đỏ để chuẩn bị cho dịp Tết Nhâm Dần cũng giảm chỉ còn hơn một nửa so với mọi năm, sản lượng cá làng nghề dự kiến cung cấp ước tính khoảng trên 30 tấn cá ra thị trường. Trung bình, giá bán 1 kg cá chép đỏ tại bờ từ 120.000 – 150.000 đồng/kg loại khoảng từ 40 – 50 con/kg. Sau khi trừ chi phí, bình quân thu nhập 25 triệu đồng/sào/năm. 

Với tiềm năng ngành nghề còn lớn, thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển sản xuất cá chép đỏ, xã Tuy Lộc đang hướng người dân đến việc hợp tác sản xuất ổn định để phát triển làng nghề theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, tích cực tổ chức chuyển giao các công nghệ nuôi mới, hiệu quả, đảm bảo môi trường…

Được biết, nghề ươm nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960 và phát triển cho đến ngày nay. Năm 2011, UBND tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm và đầu tư cơ sở vật chất phát triển làng nghề. Hiện nay cả làng có trên 30 ha nuôi cá chép đỏ của 250 hộ dân, trong đó sử dụng trên 1.140 lao động tại chỗ. Thông thường, cá giống sẽ được tiến hành nuôi từ tháng 6, người nuôi cá chăm sóc sao cho đến khi cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp. Những năm trở lại đây, nghề nuôi cá phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên các hộ gia đình trong làng đã tích cực dồn điền, đổi thửa, củng cố xây dựng bờ ao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghiệp, nhờ vậy năng suất và sản lượng ngày một tăng.

Bình An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!