T2, 06/07/2020 01:46

Gia tăng cạnh tranh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản thời gian qua đã có những bước tăng trưởng đột phá, tuy nhiên, vẫn chưa xứng với tiềm năng hiện có. Để có thể thúc đẩy chế biến nông sản ngày mang lại hiệu quả cao hơn, cần rất nhiều yếu tố.


 Thủy sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế cả nước 

Phát triển mạnh và đều

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhập siêu của cả nước, mang lại việc làm và thu nhập cho hàng triệu nông dân. Nhiều mặt hàng đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD như thủy sản, đồ gỗ, gạo, cà phê, cao su…; nhiều mặt hàng chiếm giữ vị thế sản lượng và xuất khẩu cao trên thế giới như điều, hồ tiêu đứng thứ nhất, gạo, cà phê đứng thứ hai, thủy sản đứng thứ 4, đặc biệt từ 2018, Việt Nam đã có 1 doanh nghiệp chế biến tôm đứng đầu thế giới về quy mô và giá trị xuất khẩu.

Năm 2018, thị trường xuất khẩu NLTS của Việt Nam đã mở rộng trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục, vượt ngưỡng 40 tỷ USD. Ngoài ra, cơ cấu các mặt hàng NLTS xuất khẩu cũng có xu hướng thay đổi tích cực theo hướng đa dạng chủng loại, tăng tỷ lệ các sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn ATTP nhất là tại các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc…

Hiện, cả nước có khoảng 700 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp và khoảng 4.000 cơ sở chế biến nhỏ lẻ phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Về sản phẩm chế biến xuất khẩu, trước đây chỉ xuất khẩu các sản phẩm dạng đông block, nhưng hiện nay tỷ lệ sản phẩm GTGT ngày càng tăng, đến nay ước đạt khoảng trên 50%. Các nhà máy sáng tạo nhiều mặt hàng, sản phẩm mới hấp dẫn, có giá trị, đồng thời khai thác các đối tượng thủy sản mới để chế biến.

Một xu hướng mới là chế biến phụ phẩm đạt hiệu quả cao, mang lại lợi ích kinh tế lớn và giảm thiểu tác động đến môi trường: nhiều nhà máy nghiên cứu nhập dây chuyền công nghệ đồng bộ chế biến phụ phẩm cá để sản xuất dầu cá và bột cá chất lượng cao, chitin, chitosan từ đầu vỏ tôm phục vụ các ngành công nghiệp, thực phẩm, y dược…

Khá nhiều bất cập

Hiện, Việt Nam có trên 50.000 nghìn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó khoảng 10.200 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất NLTS. Tuy nhiên, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó số doanh nghiệp NLTS chiếm 1%.

Cùng đó, hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ với quy mô rất nhỏ; quy mô các doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 96% số các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hệ thống các cơ sở chế biến NLTS phát triển chủ yếu về số lượng, đa số quy mô sản xuất nhỏ lẻ và phân tán. Tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng hiện đang vẫn còn rất lớn: rau quả, đánh bắt hải sản 20%; lúa gạo 11 – 13%; muối 15%…; từ đó, làm tăng giá thành sản xuất nguyên liệu và sản phẩm, giảm chất lượng và giá bán sản phẩm.

Sản xuất thiếu bền vững, chất lượng sản phẩm chưa cao và thiếu ổn định, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Cơ cấu sản phẩm chế biến chưa hợp lý, các sản phẩm sơ chế, các sản phẩm có GTGT thấp vẫn còn chiếm một tỷ trọng lớn trong các mặt hàng NLTS xuất khẩu của Việt Nam. Việc sử dụng các phế phụ phẩm để sản xuất các sản phẩm phụ, nâng cao hiệu quả sản xuất chưa được quan tâm đúng mức, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.

Công tác nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu chưa quan tâm đúng mức. Dự báo thiếu cụ thể, không kịp thời, chưa thực sự định hướng cho phát triển sản xuất, chế biến. Mặt khác, cơ chế và phối hợp điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước còn chồng chéo, thiếu thống nhất. Việc cấp phép đầu tư các cơ sở chế biến tại các địa phương không theo quy hoạch, dẫn đến mất cân đối giữa sản xuất nguyên liệu và chế biến, làm giảm năng lực cạnh tranh.

Giải pháp khắc phục

Theo Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản, chế biến và nâng cao GTGT hàng NLTS phải bám sát với thực tiễn của từng ngành hàng, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Lấy thị trường làm cơ sở để điều chỉnh cơ cấu các ngành sản xuất, chế biến NLTS hàng hóa theo hướng thị trường cần, thay bằng việc cung ứng các sản phẩm hiện có. Cùng đó, áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đi thẳng vào công nghệ hiện đại, chuyển dịch nhanh cơ cấu sản phẩm sang chế biến sâu để tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu ở phân khúc GTGT cao. Đa dạng loại hình, quy mô chế biến công nghiệp; hình thành các doanh nghiệp “đầu tàu” sản xuất các sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, cần huy động sự tham gia tích cực, chủ động của người dân và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo kết nối sản xuất, chế biến với thị trường. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ phát triển thông qua cơ chế chính sách đột phá.

Về giải pháp, theo ông Toản, cần tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết sản xuất nguyên liệu – chế biến – tiêu thụ; Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có GTGT cao, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, hạ giá thành sản phẩm; Đầu tư công nghệ, thiết bị nhằm xử lý và tận dụng triệt để các phế phụ phẩm nông nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đồng thời, rà soát lại các chính sách, nhằm thu hút tốt hơn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp nói chung và chế biến NLTS nói riêng, nhằm thu hút vốn và công nghệ hiện đại. Xây dựng danh mục kêu gọi dự án FDI vào lĩnh vực chế biến NLTS theo hướng chọn lọc các dự án chế biến sâu sản phẩm, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

>> Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: Cần phát triển thị trường, nhất là tiêu thụ nội địa, vì đây là thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu người. Tổ chức nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường thế giới về nhu cầu, xu hướng tiêu thụ sản phẩm, biến động thị trường để xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm chủ lực đặc biệt là các nhóm sản phẩm mới, có tiềm năng giá trị gia tăng cao

Nguyên Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!