Gia tăng hành lang pháp lý thực thi pháp luật thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nghị định số 37/2024/NQ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2017/NQ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP. Hai nghị định này đã có nhiều điểm mới, gia tăng thêm hành lang pháp lý, lấp đầy “khoảng trống” trong thực thi pháp luật thủy sản, góp phần đưa ngành hàng này phát triển bền vững hơn.

Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Nghị định 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 19/5/2024 có một số điểm mới.

Đơn giản hóa một số thủ tục hành chính. Trong đó sửa đổi, bổ sung quy định về việc thực hiện một số thủ tục hành chính thông thoáng hơn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh không thể tổ chức kiểm tra, đánh giá thực tế tại cơ sở để cấp giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản chấp thuận, đánh giá duy trì, giám sát điều kiện của cơ sở: áp dụng hình thức đánh giá trực tuyến (khoản 9 Điều 4 Nghị định số 26); Đăng ký lồng, bè nuôi trồng thủy sản (Điều 36 Nghị định số 26); Công bố đóng, mở cảng cá (Điều 61 Nghị định số 26)

Sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Trong đó: Quy định cụ thể về quy trình thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (khoản 4 Điều 8 Nghị định số 26); Bổ sung các hoạt động được thực hiện trong phân khu của khu bảo tồn biển để phù hợp với thực tế và bảo đảm yêu cầu quản lý (khoản 1 Điều 10 Nghị định số 26); Quy định rõ về quyền và trách nhiệm của ban quản lý khu bảo tồn biển (Điều 11 Nghị định số 26); Quy định rõ nội dung nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến khu bảo tồn biển (Điều 13 Nghị định số 26)

Sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến Đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (Điều 36 Nghị định số 26). Trong đó: Quy định bổ sung hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè phải đăng ký bao gồm nuôi trồng thủy sản bằng lồng, giàn treo, đăng quầng trên bãi triều, trên biển, sông, hồ và đầm phá tự nhiên. 

Nghị định 37/2024/NĐ-CP có nhiều điểm mới trong việc đăng ký nuôi thủy sản lồng bè. Ảnh: TL

Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến khai thác thủy sản, cụ thể: Bổ sung quy định về chuyển đổi hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi (khoản 4, 5, 6 Điều 43 Nghị định số 26); Quy định rõ về việc chuyển đổi hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản giữa các nghề trong tổng số hạn ngạch giấy phép và quy định theo hướng chuyển đổi hạn ngạch khi chuyển, bán tàu cá giữa các tỉnh (bảo đảm không tăng tổng số hạn ngạch trong cả nước)

Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hệ thống giám sát tàu cá (Điều 44 Nghị định số 26). Trong đó: Quy định rõ trách nhiệm của Trung ương và địa phương trong việc quản lý, sử dụng hệ thống giám sát tàu cá; Thuyền trưởng, chủ tàu cá phải chấp hành nghiêm cảnh báo của thiết bị giám sát hành trình tàu cá, không được đưa tàu vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển; Quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát lắp đặt trên tàu cá; quy định rõ yêu cầu và quản lý việc lắp đặt đối với thiết bị giám sát tàu cá và quy định yêu cầu đối với việc lắp thiết bị chống va, đâm khi hoạt động trên biển để tránh tình trạng nhiễu loạn thông tin, gây khó khăn trong việc quản lý.

Bổ sung quy định Giám sát viên trên tàu cá Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam (Điều 45a) nhằm tạo khung pháp lý để duy trì và thúc đẩy việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ. 

Bổ sung điều kiện, quyền và nghĩa vụ của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá cho phù hợp với Luật Đầu tư năm 2020 (bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện “đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá”) (Điều 54a Nghị định số 26).

Sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền Cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá Việt Nam theo hướng phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh (Điều 57 Nghị định số 26). 

Sửa đổi, bổ sung quy định Kiểm soát tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam và Kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác được vận chuyển bằng tàu công ten nơ nhập khẩu vào Việt Nam (Điều 70, Điều 70 a, Điều 70b) nhằm thực hiện Công điện số 1058/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (quy đinh tại khoản 34 Điều 1 Nghị định 37/2024).

Cùng với Nghị định 37, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP được Chính phủ phê duyệt ngày 5/4/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản, với một số điểm mới cơ bản.

Tại Chương I, sửa đổi 3 điều. (1) Điều 3: Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực thủy sản (2 năm); (2) Điều 4: bổ sung nội dung: VPHC nhiều lần hoặc tái phạm trong lĩnh vực thủy sản mà chưa được quy định cụ thể trong Nghị định này được coi là tình tiết tăng nặng trong xử phạt vi phạm hành chính. (3) Điều 5: Quy định bổ sung xử phạt VPHC đối với chủ tàu cá không đồng thời là thuyền trưởng và chủ tàu cá đồng thời là thuyền trưởng; quy định rõ thế nào ranh giới vùng biển được phép khai thác thuỷ sản.

Tại Chương II: Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Trong đó sửa đổi, bổ sung chi tiết hành vi vi phạm, biện pháp khắc phục hậu quả đối với (1) Vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; (2) Vi phạm quy định về giống thủy sản; (3) Vi phạm quy định về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; (4) Vi phạm quy định về nuôi trồng thủy sản; (5) Vi phạm quy định về khai thác thủy sản; (6) Vi phạm quy định về tàu cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

Tại Chương III: Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. So với Nghị định số 42, Nghị định số 37 bổ sung, lược bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật Thanh tra năm 2022). Trong đó bổ sung thẩm quyền xử phạt của Kiểm Lâm (Điều 54) nhằm đảm bảo các hành vi VPHC về bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn… được phát hiện kịp thời và bị xử lý theo quy định. Phân định rõ thẩm quyền xử phạt (Điều 55) và quy định cho phép cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt VPHC được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi vi phạm (Điều 58).

Ngọc Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!