(TSVN) – Giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL đang giảm sâu trong những tháng gần đây, khiến người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, những hộ nuôi tôm công nghệ cao với chi phí đầu tư lớn đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ.
Khoảng vài tháng nay, giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh liên tục nằm ở mức thấp. Giá tôm chưa có dấu hiệu khởi sắc khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp nuôi tôm cho biết, giá tôm nguyên liệu nằm ở mức thấp và duy trì khoảng 5 – 6 tháng nay. Hiện, giá tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg dao động từ 120.000 – 122.000 đồng/kg; loại 25 con/kg 130.000 – 132.000 đồng/kg; loại 20 con/kg 155.000 – 160.000 đồng/kg.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, hiện, giá tôm vẫn ở mức thấp và không ổn định. Giá thành sản xuất còn cao nên người nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, hiện tôm sú cỡ 40 con/kg giá khoảng 120.000 – 130.000 đồng/kg; cỡ 30 con/kg giá khoảng 165.000 – 170.000 đồng/kg; tôm thẻ 100 con/kg giá khoảng 80.000 – 82.000 đồng/kg; cỡ 50 con/kg giá khoảng 95.000 – 97.000 đồng/kg.
Theo thống kê, trong tháng 7/2024, các địa phương trong tỉnh thả nuôi thủy sản các loại đạt 1.162 ha. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang thả nuôi 13.508 ha, giảm 2,3% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 0,2%). Sản lượng thu hoạch từ nuôi 115.465 tấn, tăng 1,3% so cùng kỳ.
Có khoảng 300 ha ao tôm nuôi theo mô hình công nghệ cao, chiếm khoảng 15% diện tích nuôi tôm thâm canh toàn tỉnh, tập trung nhiều ở huyện cù lao Tân Phú Đông, huyện Gò Công Đông. Do vốn đầu tư, chi phí nuôi ở mức cao, giá cả lại không ổn định đã ảnh hưởng đến sự phát triển mô hình thủy sản này.
Khoảng 3 tháng nay, giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Bến Tre bị giảm sâu. Hiện tại, giá tôm thẻ chân trắng nuôi công nghệ cao loại 30 con/kg dao động từ 120.000 – 122.000 đồng/kg; loại 25 con/kg 130.000 – 132.000 đồng/kg; loại 20 con/kg 155.000 – 160.000 đồng/kg, loại 50-70 con /kg, giá bán khoảng 90.000 đồng/kg, giảm khoảng 30% so với 3 tháng trước. Riêng tôm sú cỡ 40 con/kg giá khoảng 120.000 – 130.000 đ/kg; cỡ 30 con/kg giá khoảng 165.000 – 170.000 đ/kg, giảm nhiều so với trước đây.
Theo người nuôi, nhiều ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghệ cao còn bị nhiễm bệnh đường ruột trắng không thể điều trị nên dẫn đến thiệt hại lớn. Nếu như trước đây, người nuôi tôm có thể có lợi nhuận từ 50.000 – 70.000/kg, hiện nay mỗi kg tôm chỉ có thể lãi từ 20.000 – 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên do giá thức ăn ở mức cao lại bị dịch bệnh nên nhiều mô hình bị thua lỗ nặng, nhất là các mô hình nuôi tôm công nghiệp thì rủi ro lại càng cao.
Bến Tre xác định thủy sản là một trong hai ngành kinh tế mũi nhọn, lấy đối tượng xuất khẩu làm chủ lực phát triển, tỉnh hiện tập trung trên 5 đối tượng nuôi chủ yếu gồm tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá tra, nghêu và tôm càng xanh. Trong đó, tôm nước lợ chiếm 76% cơ cấu diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh, với khoảng 36.300 ha.
Đáng chú ý, Bến Tre đặt mục tiêu phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao đạt 4.000 ha vào cuối năm 2025. Theo UBND tỉnh Bến Tre, sau hơn 3 năm triển khai Kế hoạch phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao tại địa phương đã đạt kết quả khả quan. Đến nay, tỉnh Bến Tre đã phát triển được hơn 3.430 ha, đạt 85,76% kế hoạch; sản lượng tôm nuôi ước đạt 160.188 tấn.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre đến nay, tỉnh đã phát triển được hơn 3.430 ha tôm công nghệ cao, đạt 85,76% kế hoạch. Đến cuối năm nay địa phương có kế hoạch phát triển 500 ha và phấn đấu phát triển đạt 4.000 ha vào cuối năm 2025.
Không chỉ tại Tiền Giang, Bến Tre mà giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh khác ở ĐBSCL cũng liên tục nằm ở mức thấp. Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng cuối năm 2024, giá tôm nguyên liệu có thể tăng 20%. Đây là tín hiệu vui để tác động người nuôi tôm ở ĐBSCL. Để tận dụng được cơ hội, người nuôi cần có sự đầu tư, chú trọng nuôi tôm tuần hoàn khép kín để hạn chế tối đa rủi ro do dịch bệnh.
Tuệ Lâm