(TSVN) – Thời điểm này, một số địa phương ở ĐBSCL đang thu hoạch tôm thẻ chân trắng (TTCT) cuối vụ, giá tôm liên tục tăng cao giúp người nuôi có lãi tốt.
Người nuôi tôm tại huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đang thu hoạch TTCT cuối vụ. Giá TTCT tăng từ 5.000 – 8.000 đồng/kg so với tuần trước. Cụ thể, doanh nghiệp đang thu mua loại 20 con/kg giá 245.000 đồng/kg. Đây là loại tôm có giá tốt nhất từ đầu vụ và cao hơn 66.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước. Với TTCT 25 con/kg, giá tăng từ 180.000 đồng/kg lên 185.000 đồng/kg; loại 30 con/kg có giá 164.000 đồng/kg, loại 40 con/kg có giá 146.000 đồng/kg, loại 50 con/kg có giá 131.000 đồng/kg, loại 60 con/kg là 121.000 đồng/kg, loại 70 con/kg giá khoảng 115.000 đồng/kg, loại 80 con/kg ở mức 110.000 đồng/kg, loại 90 con/kg vào khoảng 101.000 đồng/kg, còn loại 100 con/kg có giá 96.000 đồng/kg. Đây là mức giá được doanh nghiệp thu mua tại ao, đã tính chi phí kéo tôm và vận chuyển lên xe tải.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, diện tích tôm đã thả nuôi tại địa phương này là 66.467 ha, đạt 89,8% so với kế hoạch và bằng 92% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng tôm thương phẩm ước đạt 178.489 tấn. Toàn tỉnh đã thu hoạch 34.688 ha tôm với sản lượng khoảng 149.780 tấn (TTCT 137.242 tấn, sú 12.538,4 tấn).
Hiện, Sóc Trăng còn khoảng 12.812 ha tôm trên đồng (TTCT 8.825,7 ha, sú 3.986,3 ha). Trong đó, tôm nuôi dưới 30 ngày 1.306 ha, 30 – 60 ngày 5.017 ha, 60 – 90 ngày 3.774 ha, 90 – 120 ngày 1.673,5 ha và trên 120 ngày 1.041 ha.
Sở Công Thương Sóc Trăng cho biết, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm nay của tỉnh ước đạt 1.050 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (tăng 128 triệu USD). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 835 triệu USD, tăng 21% (145 triệu USD); xuất khẩu gạo 183 triệu USD, tăng 41% (53 triệu USD).
Các doanh nghiệp thu mua tôm trên địa bàn Bạc Liêu cũng có mức giá tương tự như tại Sóc Trăng. Dù đang trong thời điểm dịch bệnh nhưng giá tôm không giảm vì gần cuối vụ, lượng tôm nuôi không còn nhiều. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang gấp rút chuẩn bị các đơn hàng cho cuối năm.
Tuy nhiên, gần đây, xuất hiện một số ca bệnh F0 xuất hiện tại Công ty TNHH Thủy sản Tấn Khởi và Công ty TNHH Thủy sản Châu Bá Thảo trên địa bàn thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) khiến các doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng. Số lượng công nhân tại nhiều nhà máy khác trong khu vực giảm 30 – 35%. Ngoài việc khó qua các chốt liên vùng, công nhân bị tâm lý lo sợ liên quan đến dịch bệnh nên ở nhà.
UBND thị xã Giá Rai – cho biết địa phương có 22 nhà máy chế biến thủy sản với trên 10.000 công nhân. Mỗi năm, thị xã đóng góp 80% kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh Bạc Liêu.