Tuy giá tôm đã tăng trở lại ở hầu hết các kích cỡ và các nhà máy cũng đang tăng dần công suất chế biến để kịp tiến độ các đơn hàng giao dịp cuối năm. Nhưng tại các vùng nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL, không khí mùa vụ vẫn khá trầm lắng, người nuôi vẫn hết sức dè dặt và gặp khó do các yếu tố bất lợi ngày một lớn hơn.
Không nằm ngoài dự đoán, khi số diện tích thả tôm không còn nhiều, trong khi các nhà máy bắt đầu tăng mua để chế biến, phục vụ các đơn hàng cuối năm, giá tôm lập tức quay đầu tăng trở lại từ đầu tháng 8 đến nay ở hầu hết các kích cỡ. Chưa hết, các dự báo còn cho thấy, xu hướng giá tôm tăng sẽ còn tiếp tục kéo dài đến cuối năm, thậm chí nhiều khả năng đến hết quý I-2024. Trong khi nhu cầu tôm nguyên liệu đang tăng lên từng ngày thì nguồn cung hiện đã giảm mạnh, do nhiều nông dân đã ngưng thả giống vì thua lỗ sau thời gian dài giá tôm giảm mạnh.
Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Camimex, sau thời gian dài hạn chế nhập hàng để giải quyết lượng tồn kho, đến hết tháng 6, lượng hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu đã giảm đáng kể, trong khi mùa tiêu thụ cao điểm dịp lễ, Tết cuối năm đang cận kề nên họ cũng tranh thủ nhập thêm hàng mới. Ông Sơn chia sẻ: “Nhu cầu nhập khẩu tôm đang tăng trở lại, nên nhu cầu tôm nguyên liệu từ nay đến cuối năm vì thế cũng sẽ tăng theo. Do đó, giá tôm tăng là tất yếu, khi mà các nhà máy hầu hết đều cố gắng cân đối một lượng hàng tồn kho nhất định cho giai đoạn cuối năm đã được dự báo là sẽ khan hiếm tôm nguyên liệu”.
Trong câu chuyện với người viết hồi tháng 6, khi được hỏi về tín hiệu thị trường 6 tháng cuối năm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, nói hết sức ngắn gọn: “Tháng 7, phải chạy thôi”! bởi theo ông, dù giá bán vẫn chưa tăng như kỳ vọng, nhưng số lượng đơn hàng thì tăng lên đáng kể. Do đó, ngay từ khi bước vào tháng 7, Sao Ta đã bắt đầu “chạy” bằng động thái tăng công suất chế biến để kịp tiến độ cho các đơn hàng giao từ nay đến cuối năm. Thực tế cho thấy, doanh số tiêu thụ tôm của Sao Ta trong tháng 7 đã tăng 18% so với tháng 6 và Sao Ta đang rất kỳ vọng sẽ có doanh số cao hơn trong các tháng còn lại của năm 2023.
Theo cập nhật của người viết, giá tôm bắt đầu tăng từ trung tuần tháng 7, nhưng chỉ ở một vài kích cỡ, nhưng từ đầu tháng 8 đến nay, giá tôm hầu hết các kích cỡ đều đã tăng bình quân 5.000-25.000 đồng/kg. Thậm chí, có thời điểm chỉ trong ngày, giá tôm tăng đến 2 – 3 giá trên cùng một cỡ tôm. Hiện lượng tôm trên thị trường không còn nhiều do có nhiều hộ nuôi đã ngưng thả nuôi mấy tháng nay. Trong khi đó, nhà máy nào cũng trong giai đoạn tăng tốc thu mua, chế biến, cộng thêm một lượng tôm đáng kể được thương lái thu mua tiêu thụ nội địa nên giá tôm được đẩy lên nhanh chỉ trong thời gian ngắn. Giải thích thêm nguyên nhân giá tôm tăng nhanh trong thời gian gần đây, ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết: “Kể cả những nhà máy có nguồn tôm dự trữ lớn cũng phải mua vào mỗi ngày để bù vào lượng chế biến nhằm cân đối nguồn hàng dự trữ, tránh thiếu hụt, khi thị trường phục hồi mạnh trở lại dịp cuối năm”.
Những hộ nuôi ao bạt vẫn tiếp tục thả nuôi để tranh thủ giá tôm tăng cao dịp cuối năm.
Cũng theo ông Phục, tới đây, giá tôm sẽ còn tiếp tục tăng thêm do lượng tôm các tỉnh không còn nhiều, trong khi nhu cầu từ các nhà máy liên tục tăng để đáp ứng các đơn hàng dịp Noel, Tết dương lịch hay các dịp lễ cuối năm khác. Do đó, nếu nhà máy nào không có nguồn tôm dự trữ đủ lớn chắc chắn sẽ gặp khó khi giá tôm nguyên liệu trong nước tăng lên. Mặt khác, do phần lớn các nhà máy chế biến của Việt Nam đều tập trung vào phân khúc thị trường giá trị gia tăng, nên tôm thẻ cỡ 30-70 con/kg được dự báo sẽ có sức tiêu thụ mạnh hơn, giá sẽ tốt hơn.
Tuy giá tôm đã tăng trở lại và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng, nhưng nhìn chung, không khí mùa vụ tại các vùng nuôi vẫn khá trầm lắng mà nguyên nhân một phần là do họ còn dè dặt trước những yếu tố bất lợi của nghề nuôi, một phần là do không còn nguồn vốn để nuôi. Như chúng ta đã biết, lâu nay, phần lớn hộ nuôi nhỏ lẻ, nuôi ao đất do không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng nên nguồn vốn đầu tư từ đại lý chính là cứu cánh lớn nhất của họ trong mỗi vụ nuôi. Nói một cách dễ hiểu là người nuôi được đại lý cung ứng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, chất xử lý môi trường… đến khi thu hoạch có tôm mới thanh toán. Tuy nhiên, do giá tôm giảm mạnh kéo dài, việc thu hồi nợ khó khăn, nên đến nay các đại lý cũng thu hẹp khoảng đầu tư này, kể cả khi người nuôi đã có tôm về cỡ 100 con/kg cũng chưa chắc có đại lý nào dám đầu tư, vì hiện nay, độ mặn trên các cửa sông gần như không còn và đây cũng là mùa tôm dễ nhiễm EHP, bệnh phân trắng nhất trong năm.
Đối với những hộ có đủ điều kiện về tài chính, kỹ thuật, cơ sở vật chất… để nuôi tôm mô hình lót bạt 2 – 3 giai đoạn hiện cũng hết sức thận trọng, không dám thả nuôi hết diện tích, mà chỉ thả nuôi 1 phần diện tích mang tính thăm dò với mật độ thưa để dễ chăm sóc, quản lý và nuôi được kích cỡ lớn bán giá cao. Theo các hộ nuôi tôm và đại lý, với giá tôm hiện tại, nếu nuôi đạt năng suất, hệ số thức ăn hợp lý, mức lợi nhuận cũng không dưới 20 – 25%. Anh Nguyễn Văn Quý, một đại lý thu mua tôm ở TX Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho biết, tôm thẻ loại 20 con/kg hiện có giá 180.000 đồng/kg trở lên, nên người nuôi hiện có xu hướng thả thưa hoặc thu tỉa để nuôi về size này hiệu quả sẽ rất cao. Ngay cả tôm thẻ loại 100 con/kg trước đây chỉ có 60.000 – 65.000 đồng/kg hiện cũng đã tăng lên 75.000 – 80.000 đồng/kg. Với mức giá này, nếu nuôi đạt đầu con, năng suất thì người nuôi có lời khoảng 20.000 đồng/kg.
Bài, ảnh: Hoàng Nhã
Nguồn: Báo Cần Thơ