Trong khi người nuôi tôm phấn khởi do được mùa được giá thì doanh nghiệp lao đao vì giá nguyên liệu cao, phải tranh mua với thương lái, còn nhà quản lý lo tình trạng bất ổn quay lại.
Niềm vui người nuôi tôm
Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng (TTCT) 8 tháng đầu năm của nhiều địa phương đều tăng, trung bình trên 15 – 20% so cùng kỳ năm ngoái. Tại tỉnh Long An, sản lượng tôm sú hơn 1.300 tấn, tăng khoảng 8,7%; TTCT 4.465 tấn, tăng 1,5 lần. Tại tỉnh Bến Tre, sản lượng tôm sú 8.600 tấn, tăng 19,4%; TTCT 11.400 tấn, tăng 25,3%…
Từ đầu năm đến nay, giá tôm nguyên liệu cũng liên tục tăng và luôn ở mức cao. Trong tháng 8, giá tôm nguyên liệu ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang được doanh nghiệp mua tăng thêm 6.000 – 10.000 đồng/kg; tôm sú loại 40 con/kg giá khoảng 150.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá hơn 210.000 đồng/kg, loại 20 con/kg giá khoảng 250.000 đồng/kg, loại 8 – 10 con/kg giá 450.000 – 460.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Giá TTCT cũng đạt kỷ lục mới, từ đầu năm đến nay đã tăng thêm gần 30.000 đồng/kg; trong đó, loại 70 con/kg giá 130.000 đồng/kg, loại 50 con/kg giá khoảng 140.000 đồng/kg.
Theo nhiều người nuôi tôm, với mức giá như hiện nay, những diện tích tôm thu hoạch đúng tuổi, người nuôi lãi 60 – 100 triệu đồng/ha; diện tích thu hoạch sớm (nuôi khoảng 2 tháng) cũng lãi 10 – 20 triệu đồng/ha…
Nguyên nhân chính khiến giá tôm tăng mạnh thời gian qua được cho là do sản lượng tôm nguyên liệu giảm, nguồn cung cho nhà máy ít, trong khi nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh mua theo hợp đồng đã ký; cùng đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng tăng đáng kể.
Trong bối cảnh các yếu tố đầu vào, nhất là giá thức ăn chăn nuôi cao và chưa có dấu hiệu giảm thì giá tôm như hiện nay được xem là tin vui đối người nuôi tôm.
Tôm tăng giá, đương nhiên người nuôi phấn khởi Ảnh: Thanh Ngân
Doanh nghiệp chật vật tìm nguyên liệu
Xuất khẩu tôm Việt Nam đang gặp nhiều thuận lợi: giá tôm trên thị trường thế giới tăng, nguồn cung tôm từ Thái Lan giảm mạnh do ảnh hưởng Hội chứng tôm chết sớm (EMS). Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm nhập khẩu vào Mỹ giai đoạn 1/2/2011 – 31/1/2012 (POR7); theo đó tất cả 33 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường này đều có mức thuế 0%. Đây là “thời điểm vàng” để tôm Việt Nam bứt phá. Tuy nhiên, việc nắm bắt các cơ hội này không hề đơn giản, bởi hiện nay doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đang vấp phải nhiều vấn đề. Giá tôm tăng cao như hiện nay là niềm vui đối với người nuôi tôm, nhưng lại là chuyện khó của doanh nghiệp.
Ông Võ Quang Huy, Phó Chủ tịch Hội Nuôi tôm Sóc Trăng, cho biết: Hiện không phải mùa thu hoạch, cộng với dịch bệnh và biến động của thị trường, nên tôm nguyên liệu đang khan hiếm. Điều này cho thấy nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tôm trong nước đang thiếu hụt khá nghiêm trọng. Mặt khác, theo nhận định, vùng nguyên liệu và nguồn cung tôm của Việt Nam đã giảm hơn 20% và sẽ còn tiếp diễn nếu chi phí đầu vào không giảm, vấn đề dịch bệnh không được cải thiện.
Cùng đó, khi mua tôm nguyên liệu, các doanh nghiệp lại đang phải cạnh tranh gay gắt với thương lái ngay tại vùng nuôi. Mấy tháng nay, tình trạng thương lái ráo riết mua tôm để xuất sang Trung Quốc ở mức báo động và diễn biến rất phức tạp. Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày có khoảng 300 tấn tôm tươi nguyên liệu được mua và xuất sang Trung Quốc, cả tôm cỡ lớn lẫn cỡ nhỏ.
Không thể cạnh tranh với thương lái trong việc mua nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đang điêu đứng, phải hoạt động cầm chừng và gặp khó với những hợp đồng đã ký; đó là chưa kể phải từ chối các lời đề nghị mới, đặc biệt yêu cầu có giá trị lớn.
Không thể chủ quan
Giá tôm cao như thời gian qua là một tín hiệu vui sau thời gian dài bết bát; nhưng bên cạnh đó, các địa phương cũng lo lắng về công tác quản lý vùng nuôi và xử lý dịch bệnh.
Ở Sóc Trăng, khung lịch mùa vụ theo khuyến cáo đã hết từ ngày 31/7 nhưng việc thả nuôi vẫn đang diễn ra. Theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng, tỉnh này vẫn còn hơn 30.000 ha tôm chưa thu hoạch với đủ lứa tuổi. Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng phân tích: Từ nay đến cuối năm được dự báo bão nhiều, môi trường dễ biến động, trong khi tôm nuôi rất mẫn cảm với biến động thời tiết. Mặt khác, Hội chứng EMS tuy có giảm nhưng vẫn chưa có biện pháp điều trị hiệu quả; điều này dễ khiến rủi ro trong tôm nuôi tăng cao. Và nữa, tôm được giá, người nuôi lãi lớn dễ dẫn đến tình trạng ào ạt thả nuôi mà không quan tâm kỹ thuật; nhu cầu tôm giống tăng cao cũng khiến cung không đủ cầu, con giống khan hiếm, thị trường con giống dễ rối loạn, khó kiểm soát chất lượng. Chưa kể, nhiều nông dân sẵn sàng nuôi tôm trái vụ, bất chấp chỉ thị ngắt vụ, lịch thời vụ của cơ quan quản lý, nhằm bắt kịp giá…
Để giải quyết những bất ổn này, cần phải có những chính sách và chế tài giải quyết hài hòa mối quan hệ từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Đặc biệt, vấn đề quy hoạch cần được chú trọng, nhằm góp phần bình ổn sản lượng nguyên liệu, ổn định giá cả, đảm bảo sản xuất ổn định và bền vững cho toàn ngành.
>> Theo VASEP, với mức xuất khẩu trung bình khoảng 250 triệu USD/tháng như hiện nay, năm 2013 giá trị xuất khẩu ngành tôm sẽ đạt 2,5 – 2,6 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2012. |