(TSVN) – Giống cá tra sạch bệnh, chất lượng cao để tạo cơ sở nuôi thương phẩm an toàn, giá cả hợp lý, đáp ứng yêu cầu thị trường, thúc đẩy ngành hàng cá tra phát triển bền vững. Thế nhưng, thực trạng sản xuất cá tra giống hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề nan giải.
Cục Thủy sản cho biết, cả nước có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó có 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống bố mẹ; 76 cơ sở sản xuất giống thương phẩm; 1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra giống (từ cá bột lên cá giống).
Với 2 cơ sở sản xuất giống cá tra bố mẹ đã được Cục Thủy sản cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện và một năm sản xuất trên 30.000 con cá bố mẹ, đáp ứng nhu cầu sản xuất giống. Với 76 cơ sở sản xuất giống thương phẩm, mới 61 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện, tỷ lệ gần 80,3%. Với 1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra giống, mới 97 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện, gần 5,3%.
Tỷ lệ cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn thấp và rất thấp. Nhưng việc duy trì trong thực tế còn thấp hơn nữa. Đến hết tháng 9/2024, các địa phương kiểm tra duy trì cho 38/61 cơ sở sản xuất giống thương phẩm (62,3% số được cấp) và 81/97 cơ sở ương dưỡng cá tra giống (83,5% số được cấp). Nếu so với tổng số cơ sở thì số được cấp Giấy chứng nhận và đang duy trì sản xuất giống thương phẩm chỉ đạt 50% (38/76), ương dưỡng cá tra giống chỉ đạt gần 4,4% (81/1.842).
Sản xuất giống tính đến cuối tháng 9/2024, sản lượng cá bột ước 23,6 tỷ con; cá giống ước 3,41 tỷ con; tỷ lệ cá bột ương dưỡng thành cá giống đạt 14%. Ước cả năm 2024, sản lượng cá bột 30 tỷ con, cá giống 4 tỷ con, tỷ lệ ương dưỡng thành cá giống chỉ đạt 13%.
Căn cứ vào báo cáo của địa phương thì tỷ lệ ương dưỡng cá bột thành cá giống còn thấp hơn nữa. Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ nguồn cá tra hậu bị chọn giống theo hướng tăng trưởng nhanh của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, giai đoạn 2020 – 2023 sản xuất 21,3 tỷ con cá bột, được 1,2 tỷ con cá giống (đạt tỷ lệ hơn 5,6%); trong 9 tháng đầu năm 2024 sản xuất 4 tỷ con cá bột, được 300 triệu con cá giống (tỷ lệ 7,5%).
Theo Cục Thú y, hiện nay chưa có cơ sở sản xuất, ương dưỡng cá tra giống nào đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Từ đầu năm đến tháng 10/2024, tại 60 xã của 20 huyện thuộc 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long bị thiệt hại 264 ha cá tra (33 ha giống, 231 ha thương phẩm), trong đó có 260 ha bị dịch bệnh. Địa phương và doanh nghiệp thực hiện giám sát dịch bệnh, xét nghiệm các bệnh hoại tử gan tụy, xuất huyết, trương bóng hơi cho thấy có 100% mẫu nhiễm nấm Fusarium sp, 50% mẫu dương tính Streptococcus sp, 31% mẫu dương tính Aeromonas hydrophila, 7% mẫu dương tính Edwardsiella Ictaluri.
Tỉnh An Giang đã hình thành được một chuỗi liên kết tiêu thụ giống cá tra giữa Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn và Chi hội nghề nuôi thuỷ sản Phú Thuận. Đến nay, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đã tiêm vaccine cho cá tra giống tại Chi hội nghề nuôi thủy sản Phú Thuận và thu mua được 1,5 triệu con cá tra giống tiêm vaccin. Sở NN&PTNT tỉnh cũng cho biết thực trạng, các cơ sở sản xuất còn manh mún, các ao ương dưỡng đã lâu năm, phần lớn các hộ sản xuất, ương dưỡng giống chưa có sự đầu tư về cơ sở vật chất để thực hiện quy định sản xuất giống an toàn.
Sở NN&PTNT tỉnh An Giang kiến nghị: “Tăng cường kiểm tra, đánh giá, cấp Giấy chứng nhận và kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản”.
Trong khi đó, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp nêu thêm một số khó khăn do cơ sở không đạt về tiêu chí cơ sở hạ tầng, đồng thời kiến nghị: “Bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn để hỗ trợ tỉnh xây dựng hoàn chỉnh Dự án Liên kết sản xuất cá tra giống chất lượng cao tại tỉnh Đồng Tháp đối với hạng mục cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra tập trung”.
Sản xuất giống cá tra trong nhà màng tại Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc, một doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao ở An Giang
Ở tỉnh Đồng Tháp đã quy hoạch để xây dựng hạ tầng vùng sản xuất giống cá tra tập trung, giai đoạn 2018-2025. Từ năm 2019 đến 2023, tỉnh nhiều lần đề xuất đầu tư dự án và ngày 16/5/2023, Bộ NN&PTNT có công văn “ghi nhận đề xuất và sẽ xem xét đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2025 – 2030”. Hiện tỉnh đang phối hợp Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam xây dựng dự án đầu tư cơ sở hạ tầng “Liên kết sản xuất cá tra giống chất lượng cao tỉnh Đồng Tháp” gồm 4 khu vực rộng 469 ha ở huyện Cao Lãnh, Tân Hồng, Lấp Vò, Châu Thành và thành phố Hồng Ngự, đề nghị Bộ NN&PTNT xét duyệt cho đầu tư công giai đoạn 2025 – 2030 theo kế hoạch.
Về phía doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc cho rằng, công nghệ cao bền vững là chìa khóa cho sự thành công ở các giai đoạn sản xuất. Tại An Giang, từ năm 2017 Công ty đã chọn lọc di truyền cá tra bố mẹ đến nay thế hệ G3 tăng trưởng nhanh hơn 30% so với thế hệ ban đầu và chất lượng tốt. Tuy nhiên, quy trình sinh sản cá tra lại phụ thuộc vào nguồn hormone từ Trung Quốc nên đề nghị “đa dạng hóa nguồn cung hoặc tổ chức nghiên cứu sản xuất loại hóc môn tương tự trong nước”.
Giải bài toán tăng tỷ lệ sống trong ương cá bột lên cá giống, theo Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc, cũng phải bằng công nghệ cao. Đó là phòng ngừa dịch bệnh với hệ thống ương cá giống khép kín, tuần hoàn nước và công nghệ vaccine phòng bệnh. “Tiềm năng lớn về khoa học công nghệ của các giải pháp vaccine sẽ góp phần tạo nên tấm lá chắn thứ hai cho cá tra giống trước các loại bệnh, bên cạnh việc tăng cường khả năng xử lý nước và tuần hoàn nước”, đại diện Công ty nhấn mạnh.
Về phần mình, Cục Thủy sản đã thống nhất với các địa phương việc tập trung thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL. Trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các vùng sản xuất cá tra giống tại Đồng Tháp, An Giang.
Đồng thời, hoàn thiện quy trình công nghệ thay thế nguồn kích dục tố HCG trong sản xuất giống cá tra để được công bố, lưu hành, áp dụng sớm vào thực tiễn sản xuất. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chọn giống cá tra chất lượng cao phục vụ sản xuất giống cho nuôi thương phẩm trong việc mở rộng đầu tư. Phấn đấu nâng tỷ lệ sống từ cá bột lên cá giống đạt 15-20% trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề giống cá tra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến lưu ý, để có con cá tra hoàn hảo đạt chất lượng sạch từ ao nuôi đến xuất khẩu, các địa phương cần quản lý chặt các cơ sở sản xuất giống cá tra.
“Các cơ sở sản xuất giống cá tra trên địa bàn nào đủ điều kiện thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận, nếu cơ sở nào không đủ điều kiện thì tuyệt đối không cấp giấy phép và có biện pháp xử lý nghiêm. Chúng ta cần tập trung tối đa cho giai đoạn hội nhập để nâng cao tầm vóc ngành hàng cá tra, phấn đấu hàng năm đạt sản lượng 1,75 – 1,8 triệu tấn, xuất khẩu trên 2 tỷ USD”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Sáu Nghệ