Vừa qua, đại diện Ban Kinh tế Trung ương đã làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, lãnh đạo một số địa phương vùng ĐBSCL và cơ quan khoa học, hiệp hội, bàn giải pháp cứu con cá tra khỏi “chết tức tưởi”.
Đầy rẫy khó khăn
Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ông Hồ Văn Vàng nói: “Ngành cá tra đã bị phá sản từ năm 2012 đến nay, bây giờ đang tột cùng khó khăn”. Ở TP Cần Thơ có 17 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, hiện chỉ 7 doanh nghiệp hoạt động ổn định, 5 doanh nghiệp “bệnh nặng”, còn 5 doanh nghiệp “chết chưa chôn”. Tỉnh An Giang có 17 doanh nghiệp với 23 nhà máy chế biến cá tra, trong đó hơn nửa đang hoạt động cầm chừng vì thua lỗ kéo dài.
Diện tích nuôi cá tra ở An Giang thời điểm này 608 ha, bằng 90,4% cùng kỳ năm trước. Lồng bè nuôi cá tra, basa có 79 cái, giảm 2%. Sản lượng cá tra đã thu hoạch 120.262 tấn, bằng 92,13% cùng kỳ năm 2013. Ở Đồng Tháp diện tích nuôi cá tra cũng giảm. Tỉnh Đồng Tháp quy hoạch hơn 2.700 ha nuôi cá tra, đến tháng 5/2014 mới nuôi 1.320 ha, sản lượng đã thu hoạch gần 133.000 tấn. Các nhà máy chế biến cá tra ở Đồng Tháp đang hoạt động 45% công suất thiết kế.
Ngành cá tra cần quy hoạch để ổn định sản xuất – Ảnh: Huy Hùng
Ở tỉnh Đồng Tháp có 15 doanh nghiệp chế biến cá tra đã xây dựng vùng nguyên liệu, chiếm hơn 66% diện tích nuôi toàn tỉnh. Một trong những doanh nghiệp chế biến có vùng cá tra nguyên liệu là Công ty TNHH Hùng Cá; Tổng Giám đốc Trần Văn Hùng rất bức xúc về tình trạng một số doanh nghiệp chế biến cá tra chạy theo lợi nhuận, cạnh tranh không lành mạnh làm giảm chất lượng và ảnh hưởng đến uy tín chung sản phẩm cá tra trên thị trường.
Yếu từ doanh nghiệp
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam Võ Hùng Dũng cho rằng, ngành cá tra yếu kém chính từ các doanh nghiệp chế biến. Ông phân tích nợ của 10 doanh nghiệp chế biến cá tra ở ĐBSCL để chứng minh nguồn lực của các doanh nghiệp rất yếu. Tổng số nợ của 10 doanh nghiệp hiện nay hơn 14.787 tỷ đồng, trong đó gần 98% là nợ ngắn hạn. Doanh nghiệp nợ lớn nhất, hơn 6.787 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 99,8%, có doanh nghiệp nợ hơn 273 tỷ đồng hoàn toàn là nợ ngắn hạn. Không những nợ ngân hàng, nhiều doanh nghiệp còn nợ người nuôi cá kéo dài, có doanh nghiệp đang nợ của người nuôi cá hàng trăm tỷ đồng.
Nợ nần lớn do phát triển tự phát trong điều kiện quản trị kém, gặp khó khăn ở thị trường là các nguồn lực bị tiêu tan. Một số doanh nghiệp chỉ biết cạnh tranh bằng cách hạ giá, mỗi lần đi hội chợ nước ngoài về là hạ giá. Thế nên giá cá tra xuất khẩu liên tục giảm, chỉ còn khoảng 1/2 so với gần chục năm trước. Năm 2013, cá tra xuất khẩu sang 149 thị trường nhưng hầu hết các thị trường chính đều giảm, nhất là EU. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, từ năm 2008 đến nay, kim ngạch xuất khẩu sang EU liên tục giảm với tốc độ trung bình 6%/năm; năm 2012 giảm tới 18,8%.
Nuôi cá và xây dựng nhà máy chế biến đều tự phát nên luôn rơi vào vòng xoáy khủng hoảng thừa – thiếu. Cho đến nay, không cơ quan nào nắm chắc được diện tích nuôi cá tra cũng như công suất chế biến của các nhà máy. Ông Võ Hùng Dũng đánh giá, con số thống kê trong ngành cá tra thời gian qua chỉ chính xác khoảng 80%.
Cứu cách nào?
Ngành cá tra muốn trở lại thời “vàng son” từ năm 2007 trở về trước, ý kiến nhiều vị lãnh đạo địa phương và hiệp hội tại các buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, cần giảm cung và nâng cao chất lượng sản phẩm; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi. Cấp bách hiện nay là tái cấu trúc doanh nghiệp: Hỗ trợ nhóm doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, mua bán hoặc sáp nhập nhóm doanh nghiệp nợ nhiều nhưng có khả năng phục hồi và thay đổi hoàn toàn nhóm doanh nghiệp rất xấu.
Tuy nhiên, vấn đề chính là phải quy hoạch để ổn định sản xuất và muốn làm được điều này phải liên kết vùng. Cần một tổ chức đầu mối cấp vùng phù hợp, đủ sức điều tiết chung. Có thể nghiên cứu kinh nghiệm hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ thời gian qua để xây dựng mô hình ban chỉ đạo điều phối thực hiện chương trình liên kết vùng ĐBSCL. “Trước hết, tổ chức liên kết để cứu con cá tra, sau đó mở rộng ra các sản phẩm nông nghiệp chính khác là lúa gạo, tôm và trái cây. Đây là vấn đề sống còn của ĐBSCL”, ông Lê Vĩnh Tân nói.
>> Ông Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Ngành cá tra hiện có 5 vấn đề lớn cần giải quyết: cung vượt cầu, chất lượng, giá cả, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhỏ và tín dụng. Theo đó, mỗi địa phương có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất chính sách để giúp doanh nghiệp vượt khó khăn; đồng thời, tái cơ cấu có hiệu quả để ngành cá tra phát triển bền vững. |