Giải pháp căn cơ cho nuôi trồng thủy sản trong tình hình mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và đòi hỏi ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu và nội địa về chất lượng, an toàn thực phẩm, giá bán thủy sản giảm sâu, nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu…; đòi hỏi ngành thủy sản cần có các giải pháp căn cơ về tổ chức sản xuất, quản lý chặt chẽ yếu tố đầu vào, phương án giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh.

Trong báo cáo về tình hình sản xuất tôm cá tra 8 tháng đầu năm và giải pháp phát triển sản xuất, Cục Thủy sản đã đưa ra một số nhóm giải pháp chính, cụ thể như:

– Đảm bảo nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu: Nắm tình hình về khả năng sản xuất cung ứng (địa phương, cơ sở nuôi); Nhu cầu về nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu; Quản lý môi trường, kiểm soát dịch bệnh: dự báo sớm, giảm thiệt hại; Duy trì ổn định nuôi đối tượng chủ lực (tôm sú: tôm – lúa, tôm – rừng, sinh thái, chứng nhận; tôm thẻ chân trắng: thả bổ sung diện tích đủ điều kiện, nuôi qua đông, nuôi kiểm soát điều kiện…; cá tra: quản lý điều kiện nuôi, an toàn thực phẩm, chất lượng theo chuỗi).

– Hạ giá thành trong nuôi trồng thủy sản: Cải tiến công nghệ, kỹ thuật nuôi nhằm nâng tỷ lệ sống, giảm FCR; Tổ chức liên kết sản xuất, giảm khâu trung gian; Khuyến khích ứng dụng nuôi có chứng nhận chất lượng (ASC, BAP, hữu cơ).

– Quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Quản lý điều kiện cơ sở sản xuất ương dưỡng giống, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường, đăng ký cơ sở nuôi (đăng ký nuôi trồng thủy sản, cấp giấy chứng nhận, mã số); Quản lý an toàn thực phẩm (sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm), truy xuất nguồn gốc nuôi trồng thủy sản.

– Quản lý chặt chẽ chất lượng giống, vật tư: Thanh tra, kiểm tra điều kiện cơ sở nuôi, sản xuất kinh doanh thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường; Chuẩn bị sản xuất đủ giống, nâng cao chất lượng giống tôm, cá tra; Tổ chức hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, liên kết theo chuỗi giá trị; Tháo gỡ rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường.

8 tháng đầu năm, diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước đạt 3,296 triệu tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước; Ảnh: Nguyễn Chi

Cùng đó, Cục Thủy sản cũng kiến nghị các địa phương cần chủ động nắm diễn biến giá tôm và cá tra, khả năng sản xuất cung ứng của địa phương để thông tin triển khai sản xuất. Khuyến cáo duy trì thả nuôi, bổ sung diện tích mới phù hợp điều kiện hạ tầng, chất lượng con giống, thức ăn, quy trình nuôi, môi trường, năng lực quản lý để tăng tỷ lệ sống và kích thước tôm thu hoạch, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng năng suất, giá trị sản phẩm. Đối với nuôi cá tra: Tăng cường quản lý điều kiện sản xuất và kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm trong công đoạn nuôi. Thực hiện chương trình tín dụng tại văn bản số 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên địa bàn; thay mặt cho UBND tỉnh/thành phố xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại thực hiện tốt việc hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản, tạo cơ hội thúc đẩy sinh kế cho nông – ngư dân. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất và chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; kiên quyết xử lý sai phạm (nếu có). Thực hiện hiệu quả quản lý môi trường, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, giải pháp kỹ thuật để nuôi hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi. Thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhân rộng các mô hình nuôi và các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả giúp người nuôi, doanh nghiệp giảm thiệt hại và chủ động sản xuất.

Các hiệp hội, ngành hàng, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong điều kiện bình thường mới. Nâng cao chất lượng sản phẩm; hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC… để nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các thị trường mới. Tuân thủ các quy định về sử dụng chất cấm, thuốc, hóa chất trong nuôi tôm; nâng cao chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết chặt chẽ với cơ sở nuôi, hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng giám sát quá trình sản xuất.   

Phát biểu tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh mới; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và đòi hỏi ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu và nội địa về chất lượng, an toàn thực phẩm, giá bán thủy sản giảm sâu dẫn đến khả năng tổ chức sản xuất chậm lại và có thể thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu các tháng cuối năm và đầu năm 2024. Cần có các giải pháp căn cơ về tổ chức sản xuất, quản lý chặt chẽ yếu tố đầu vào, phương án giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh về giá và đảm bảo an toàn thực phẩm. Tất cả đòi hỏi ngành thủy sản phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường, nắm bắt cơ hội mới cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam để thúc đẩy sản xuất trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang dần phục hồi, nhu cầu tiêu thụ gia tăng trong các tháng cuối năm (dịp Noel, Tết dương lịch…). Sự thay đổi về nguồn cung cho các thị trường xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với sản phẩm thủy sản các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán là những vấn đề nóng cần đặc biệt quan tâm sâu sát và có biện pháp kịp thời đảm bảo cho sự phát triển tốt của thủy sản Việt Nam.

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!