Từ 4 giờ sáng 23/4, một trận mưa như trút nước kéo dài hơn một giờ đồng hồ, gần như bao trùm cả tỉnh Bến Tre. Lu, khạp, kênh mương đầy ắp nước mưa, nước sông rạch không còn vị mặn. Người dân tạm thở phào nhẹ nhõm chút: “Năm nay, kể từ giờ không còn nước mặn”.
Thế nhưng, một điệp khúc hàng năm vẫn không lạc hậu: Năm nào cũng vậy, hễ bước vào mùa nắng là các cấp chính quyền lại khẩn trương đôn đốc đắp đê ngăn mặn hết đoạn này đến đoạn kia, nạo vét kênh nội đồng để trữ nước ngọt, hỗ trợ dân nghèo mua bể chứa nước, chỉ đạo các nhà máy điều chỉnh bơm nước phục vụ dân….
Vậy mà dân vẫn không bớt lo vì nước mặn. Sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng: mất trắng diện tích lúa vùng này, giảm năng suất cây ăn trái vùng kia… thiệt hại hàng chục tỷ đồng, có năm lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Cán bộ thủy lợi đo độ mặn của nước ở cống đập Ba Lai. (Ảnh: Phan Lữ Hoàng Hà)
Đã đến lúc con người phải nghĩ đến chuyện “sống chung với nước mặn”, nhất là với kịch bản nước biển dâng nhỡn tiền.
Đỉnh điểm nước mặn năm nay với độ mặn 1 – 2‰ bao trùm toàn tỉnh, còn ở độ mặn 4‰ đi sâu vào đất liền trên sông Hàm Luông và Cổ Chiên khoảng từ 50-52km, còn trên sông Tiền khoảng 48km.
Như vậy, nước mặn dâng không chờ kịch bản của Bộ Tài Nguyên và Môi trường dự báo đến năm 2050, mà ngay năm nay, ranh mặn 4‰ thực tế đã về đến trước dự báo gần 40 năm, làm hơn 63 nghìn hộ dân với gần 259 nghìn nhân khẩu thiếu nước ngọt sinh hoạt, diện tích lúa bị ảnh hưởng 658ha, trong đó hơn 500ha mất trắng. Thủy sản thiệt hại hoàn toàn hơn 80ha, rau màu khoảng 440ha, hơn 4.000 ha cây ăn trái giảm năng suất từ 10-15%, khoảng 115ha trồng dừa cũng bị giảm năng suất từ 30-70%. Ước thiệt hại do mặn gây ra trong năm nay khoảng 60 tỷ đồng.
Phải nói rằng, hệ thống thủy lợi ở Bến Tre thật sự mang lại hiệu quả. Nếu không, chắc chắn sẽ còn gặp khó khăn nhiều hơi nữa, tiêu biểu là các công trình như: Thủy lợi Châu Bình – Vàm Hồ, hệ thống cống và kênh Cây Da, thủy Lợi Cầu Sập, cống – đập Ba Lai,…
Tuy nhiên không ít công trình còn chắp vá, nên hiệu quả chưa cao.
Chẳng hạn hệ thống đê dài 130km nhưng đến nay chỉ đầu tư được khoảng 60km, đặc biệt là nhiều công trình dưới đê còn bỏ ngỏ, nên tình trạng xâm nhập mặn còn rất cao; hệ thống cống đập lớn, có ý nghĩa huyết mạch gồm 170 cống, mới đầu tư 90 cống, vẫn còn 80 cửa sông rạch nước mặn ra vào tự do.
Hệ thống thống thủy bắc Bến Tre, tổng mức vốn đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng, với nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, tiêu chua, rửa phèn cải tạo đất cho 139 nghìn ha đất tự nhiên, trong đó có hơn 100 nghìn ha đất nông nghiệp và phục vụ sinh hoạt cho nhân dân năm huyện, thành phố gồm năm cụm công trình, nhưng đã hơn 10 năm nay chỉ hoàn thành cống đập Ba Lai và một số hạng mục còn đang dang dở, tổng chi phí khoảng 200 tỷ đồng.
Ý định biến sông Ba Lai thành hồ nước ngọt vẫn chưa trở thành hiện thực.
Hệ thống thủy lợi cống Cái Quao thuộc dự án Hương Mỹ giai đoạn 2 khi hoàn thành sẽ phục vụ cho hơn 210 nghìn dân 22 xã của hai huyện Thạnh Phú và Mỏ Cày Nam cũng cùng chung số phận như hệ thống thủy lợi bắc Bến Tre là ì ạch và nham nhở.
Đê biển cũng vậy, đi một vòng trên mặt đê của ba huyện có đê biển, điểm chung là mặt đê chưa được nối liền một mạch và cống dưới đê vẫn chưa hoàn thành,…
Nói chung, các công trình thủy lợi chủ lực ở Bến Tre, mặc dù có dự án thực hiện hơn 15 năm và là dự án được Chính Phủ phê duyệt, nhưng đến nay chưa có dự án nào hoàn thành, đồng nghĩa với sự lãng phí đầu tư.
“Sống chung với nước mặn” là ý kiến của đại biểu Ban chỉ đạo Tây Nam bộ trong buổi làm việc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa qua tại Bến Tre.
Và thật đáng nghĩ khi nghe Chủ tịch Nước hỏi lại: “Sống chung với lũ thì biết rồi, còn bây giờ làm thế nào để sống chung được với nước mặn?”.
Chuyện ngăn mặn, tìm nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt ở Bến Tre không phải là việc làm đơn lẻ/
Nó phải đặt trong mối quan hệ tổng thể chủ động ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì mới có giải pháp căn cơ và hiệu quả lâu dài.
Đương nhiên là phải tiếp tục thực hiện các công trình trọng điểm dở dang như hệ thống thủy lợi bắc Bến Tre, hệ thống thủy lợi cống Cái Quao và các dự án đê biển, đê sông, dự án cấp nước sinh hoạt cho cư dân khu vực cù lao Minh,….
Nhưng về lâu dài, chính là các giải pháp phi công trình như: đào tạo nguồn nhân lực, truyền thông, tăng cường quan hệ hợp tác vùng, khu vực; bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kể cả chăn nuôi, cấp nước sinh hoạt, trồng và chăm sóc rừng phòng hộ ven biển, từng bước thích hợp với biến đổi của khí hậu.
Chỉ tính những công việc chính, cấp thiết, cũng cần gần 20 nghìn tỷ đồng vốn. Nhưng, như Chủ tịch nước nhận định: Chuyện tiền là không lớn, vấn đề chính hiện nay là chọn công trình nào làm trước, công trình nào làm sau, cùng với thái độ của mỗi người chúng ta và đặc biệt là lòng dân đã thuận để bảo đảm “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.