2015 được nhận định là năm có nhiều khó khăn với nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng, đặc biệt là vấn đề dịch bệnh, chất lượng giống, rào cản thị trường… Nhiều giải pháp được đưa ra cho ngành tôm thời gian tới.
Bộ trưởng bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Bộ NN&PTNT lấy năm 2015 là năm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong nông nghiệp; chủ trương triển khai mạnh mẽ các chương trình giám sát ATVSTP nông sản, thủy sản, ưu tiên nhóm sản phẩm đang gây bức xúc về chất lượng. Đồng thời, chú trọng quản lý chất lượng vật tư đầu vào và kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, ngăn chặn hàng không đảm bảo ATVSTP nhập vào Việt Nam. Về tồn dư hóa chất, chất cấm trong thủy sản nói chung và nhất là tôm, Bộ sẽ có hành động quyết liệt hơn, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm, tăng cường giám sát từ trung ương đến địa phương; kiểm soát chất lượng thức ăn của các cơ sở, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng tổng cục Thủy sản: Tháo gỡ đầu vào, đầu ra
Để phát triển ngành công nghiệp tôm, cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc đầu vào: Chất lượng con giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi, chất lượng nguyên liệu cho đến khâu chế biến phải đảm bảo đạt yêu cầu. Đồng thời, cần tập trung giải quyết những khó khăn cho đầu ra, như: rà soát yêu cầu chất lượng của các thị trường nhập khẩu, so sánh tính hợp lý của những yêu cầu này để có phản ứng kịp thời… Nhất là rào cản thị trường (thuế chống bán phá giá, chất cấm trong sản phẩm…), cần được toàn ngành chú trọng hơn, đặc biệt cần nâng cao nhận thức của người nuôi, không sử dụng hóa chất kháng sinh. Cùng đó, mở rộng thêm những thị trường tiềm năng (Đông Âu, Tây Phi, ASEAN), tránh phụ thuộc một thị trường…
Ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Hướng đến nuôi tôm an toàn dịch bệnh
Người nuôi cần theo đúng quy hoạch của ngành chức năng, đúng khung lịch thời vụ; chọn giống đạt chất lượng và kích cỡ khi nuôi. Đồng thời, phải kiểm tra dịch bệnh trước khi thả nuôi; quan trọng là cần chú ý nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, vì vừa bán được giá cao vừa bảo vệ được môi trường, hướng đến ngành nuôi trồng thủy sản bền vững, hiệu quả. Ngoài ra, cần tập trung vào quy hoạch, thủy lợi từng vùng cũng như cả nước.
Ông Dương Tiến Thể, Phó cục trưởng cục Thú y: Nâng cao nhận thức người nuôi
Năm 2015, bên cạnh các giải pháp để tiếp tục kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, dập dịch bệnh thủy sản sẽ là một trong những công tác trọng tâm của ngành thú y. Nhiệm vụ trọng tâm năm nay: Tiếp tục nghiên cứu tác nhân và con đường lây bệnh đốm trắng và gan tụy cấp ở tôm; Thực hiện quan trắc môi trường thủy sản, hướng dẫn mùa vụ nuôi; Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh; Tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác phòng chống dịch bệnh tại cơ sở; Rà soát và giảm thủ tục hành chính, phí và lệ phí thú y hiện nay. Cùng đó, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc thú y (nhất là kháng sinh) trong nuôi thủy sản; tiến hành kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất thuốc thú y, thủy sản đảm bảo yêu cầu.
Ông Trần Đình Luân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng: Quản lý chất lượng giống
Là địa phương trọng điểm nuôi tôm trong cả nước, nhưng thời gian qua, Sóc Trăng cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch bệnh. Nhiều diện tích nuôi bị mất trắng, người nuôi thua lỗ. Do vậy, trong vụ nuôi tôm năm 2015, bên cạnh theo dõi chặt chẽ và cảnh báo đến người nuôi tình hình môi trường ao nuôi và những giải pháp ứng phó cụ thể, tỉnh chủ trương quản lý chặt chất lượng con giống, đặc biệt đánh giá tác động của việc di nhập và nuôi tôm thẻ chân trắng đến môi trường, kiểm soát thời vụ thả giống, phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung sử dụng công nghệ cao, công nghệ nuôi tiết kiệm nước, giảm thiểu tối đa những tiêu cực từ việc xả thải, gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.
Ông Nguyến Tấn Sỹ, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Thủy sản, Đại học Nha Trang: Tăng cường kiểm soát dịch bệnh
Cả người nuôi và ngành chức năng cần chung tay trong việc quản lý dịch bệnh, tăng cường cường kiểm soát các nguy cơ đối với dịch bệnh hoại tử gan trên tôm; khuyến cáo người dân tuân thủ quy trình nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh làm sạch môi trường; tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường, nhất là vùng nuôi thủy sản tập trung, để nhanh chóng phát hiện và khuyến cáo người dân. Mặt khác, tăng cường hỗ trợ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển; hình thành và hướng dẫn người dân ứng dụng các mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao, tạo năng suất, hiệu quả cao, thân thiện môi trường.
Ông Trần Hữu Lộc, Khoa Thủy sản, Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh: Áp dụng các mô hình nuôi trồng hiệu quả
Việt Nam có điều kiện tự nhiên và con người thuận lợi cho phát triển thủy sản và hoàn toàn có khả năng trở thành nước xuất khẩu tôm số một thế giới. Diện tích nuôi tôm ở nước ta có thể đạt 600.000 ha nếu được quy hoạch và khai thác đúng cách, chúng ta lại có nhiều sông lớn thuận lợi cho việc rửa mầm bệnh. Tuy nhiên, mặt hạn chế hiện nay là sự phát triển quá nóng của ngành khiến công tác quy hoạch và quản lý nhà nước gặp nhiều lúng túng. Do giá tôm đang tăng cao, hiện tại phong trào phá vườn cây ăn trái, mía chuyển sang nuôi tôm đã vượt tầm kiểm soát, dẫn đến nguy cơ lớn dịch bệnh bùng phát trong năm 2014. Để khống chế dịch bệnh hiệu quả, nhiều mô hình hay đang dần xuất hiện. Ví dụ như một số doanh nghiệp trong ngành đang hình thành chuỗi liên kết cung ứng tôm bền vững. Bên cạnh đó, nghiên cứu phương pháp nuôi cá rô phi chung với tôm để phòng tránh EMS.
Ông Dương Văn Hùng, Doanh nghiệp Tôm giống Dương Hùng: Vẫn là nhất giống
Để đảm bảo thành công, cần nhiều yếu tố, trong đó bắt đầu từ khâu sản xuất giống. Hướng đến nuôi tôm bền vững, cần đặc biệt tuân thủ chặt chẽ từ khi nuôi đến nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất, tiêu thụ. Các doanh nghiệp sản xuất tôm giống cần hỗ trợ người nuôi bằng việc sản xuất con giống đạt chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cải tiến di truyền của tôm bố mẹ, đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe tôm nuôi thương phẩm. Trong sản xuất tôm giống, Dương Hùng đưa ra thị trường những con giống khỏe, sạch bệnh, tỷ lệ sống cao như tôm thẻ chân trắng và đạt kích cỡ lớn như tôm sú. Người nuôi cần tuân thủ lịch thời vụ, kỹ thuật. Bộ NN&PTNT đã quy định về việc kiểm soát chất lượng con giống, dịch bệnh, giúp doanh nghiệp sản xuất giống gắn với chuẩn bị tốt mọi điều kiện kiểm soát con giống chất lượng cao.
Bà Đoàn Thị Huệ, Trại sản xuất giống thủy sản Tân Trào, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng: Cần nuôi tôm theo hướng bền vững
Với mỗi doanh nghiệp, việc sản xuất con giống chất lượng là mục tiêu hướng đến, do đó, mỗi doanh nghiệp cần sớm thực hiện để đạt chuẩn mọi yếu tố, sản xuất được những con giống tốt. Từ việc chọn tôm bố mẹ đạt chuẩn, thời gian cho đẻ, cần xử lý quy trình kỹ thuật trong quá trình tôm đẻ, làm tốt công tác kiểm dịch. Với người nuôi, cần xử lý nước, môi trường thả nuôi, thời tiết. Khi thời tiết thuận lợi, nên thả nuôi sớm, mật độ vừa phải, nuôi cao sản là 100 con/m2, nuôi tôm sú với hình thức quảng canh nên thả 5 – 10 vạn. Để thuận tiện cho vụ nuôi, doanh nghiệp cần bảo hành cho người nuôi với thời hạn nhất định (thường 20 – 25 ngày). Năm 2015, hướng đến nuôi tôm bền vững, giúp hoạt động nuôi tôm đi vào khuôn khổ, các doanh nghiệp nên thực hiện tốt từ gốc và hỗ trợ người nuôi; cùng đó, hoạt động sản xuất, tiêu thụ được thực hiện song hành.
Ông Cao Văn Ba, chủ trang trại nuôi tôm tại xã Gia Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định: Tuân thủ quy trình nuôi an toàn
Người nuôi nên thả với mật độ khoảng 50 con/m2, sau tháng 3 âm lịch bắt đầu thả nuôi. Tôm giống được nhập từ những công ty có thương hiệu. Quá trình nuôi tôm, cần chịu khó học hỏi kiến thức, thả nuôi với mật độ trung bình, xử lý theo quy trình sinh học, dùng vi sinh khống chế vi khuẩn có hại… Muốn vụ nuôi thành công, cần chuẩn bị ao nuôi kỹ, con giống chuẩn, quản lý môi trường tốt, đặc biệt cần phòng dịch từ xa (nhất là khi vận chuyển qua đường thủy, hàng không), cần có lưới ngăn chim, không dùng dụng cụ chung, ao nuôi nào dùng dụng cụ của riêng ao đó. Việc quản lý môi trường liên quan, thức ăn, cần được kiểm tra chặt chẽ, xử lý vi sinh định kỳ (3 tháng/lần). Người nuôi mong muốn các doanh nghiệp bảo hành con giống hỗ trợ kỹ thuật nuôi, giúp vụ nuôi thành công.
Ông Nguyễn Văn Mến, xã Nhật Minh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An: Người nuôi cần có kỹ thuật cơ bản
Tôi nuôi gần 1 ha diện tích; mỗi vụ thành công thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Thông thường, chuẩn bị vụ nuôi mới, nên thả nuôi vào tháng 1 âm lịch. Để vụ nuôi thành công, người nuôi cần nắm được kỹ thuật nuôi cơ bản, biết lo xa cho vụ nuôi, giữ vệ sinh chân tay khi xuống ao khi nuôi; tôm giống nhập từ những công ty uy tín, đảm bảo chất lượng. Việc thực hiện nuôi tôm bền vững góp phần đem lại hiệu quả cho người nuôi và cả chuỗi tham gia. Năm 2015, người nuôi cần triển khai mua tôm đạt chất lượng, thả đúng thời vụ; ao nuôi cần được cải tạo sạch, quy trình nuôi đảm bảo kỹ thuật, xử lý dịch bệnh kịp thời khi có dịch xảy ra; trước đó, phòng chống dịch bệnh và hạn chế lây lan khi có dịch. Đặc biệt, người nuôi tôm hiện nay, khi sử dụng sản phẩm chế phẩm sinh học nào nên hiểu rõ cơ chế, tác dụng của sản phẩm; đồng thời cần giao lưu, tham vấn từ các mô hình nuôi thành công, chọn ra sản phẩm hiệu quả nhất. Cần thành lập các hội nuôi tôm ở địa phương để có tiếng nói chung và sự ràng buộc trách nhiệm đối với các nhà cung cấp khi xảy ra sự cố.
>> Những thách thức lớn của ngành tôm năm 2015 sẽ vẫn là công tác kiểm soát chất lượng giống, vật tư đầu vào; tồn dư kháng sinh còn cao; nguy cơ bị rào cản thị trường xuất khẩu gia tăng. |