T2, 06/07/2020 09:53

Giải pháp mới cho nhu cầu năng lượng

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Hiện nay, một số nước trên thế giới đã triển khai hệ thống máy phát điện sử dụng năng lượng thủy triều. Theo các chuyên gia, trong tương lai sản xuất điện từ năng lượng thủy triều sẽ là nguồn năng lượng hữu ích và thay thế cho những nguồn năng lượng khác trên toàn cầu.

Cách thức hoạt động

Để thu được năng lượng từ sóng, người ta sử dụng phương pháp dao động cột nước. Sóng chảy vào bờ biển, đẩy mực nước lên trong một phòng rộng được xây dựng bên trong dải đất ven bờ biển, một phần bị chìm dưới mặt nước biển. Khi nước dâng, không khí bên trong phòng bị đẩy ra theo một lỗ trống vào một turbin. Khi sóng rút đi, mực nước hạ xuống bên trong phòng hút không khí đi qua turbin theo hướng ngược lại. Turbin xoay tròn làm quay một máy phát để sản xuất điện.

Điểm mấu chốt của hệ thống chính là việc sử dụng một thiết bị gọi là turbin, có các cánh quay theo cùng một hướng, bất chấp hướng chuyển động của luồng khí. Máy Limpet hiện được xem là nền tảng tốt nhất để thúc đẩy sự phát triển trong công nghệ khai thác năng lượng từ sóng.

 

Hình ảnh những turbin thủy triều dưới nước

Những dự án lớn trên thế giới

Dự án điện thủy triều lớn nhất là một đập chắn khổng lồ vắt qua sông ở La Rance, Pháp với công suất 240.000 kWh. Người Anh cũng hy vọng sẽ xây dựng đập điện thủy triều lớn nhất thế giới trên con sông Severn. Theo kế hoạch, người ta sẽ xây một con đập dài 16km nối liền miền Nam vùng England tới miền Nam xứ Wales. Các turbin của nó sẽ sản sinh ra lượng điện khổng lồ, khoảng 8,6 GigaWatt, tương đương với 8 nhà máy điện nguyên tử hoạt động hết công suất. Điện từ con đập này sẽ cung cấp 5% nhu cầu năng lượng của nước Anh và quan trọng hơn là không sinh ra khí CO2 gây hại môi trường.

Ngày 15/11/2010, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Peter McKay cho biết, Canada sẽ chi hơn 19,8 triệu USD cho dự án năng lượng thủy triều tại Vịnh Fundy thuộc tỉnh Nova Scotia, một trong những bước đi nhằm biến Canada trở thành một “siêu cường năng lượng sạch” và sẽ chi hơn 793,3 triệu USD để phát triển năng lượng sạch trong vòng 5 năm tới.

Mới đây, Ấn Độ đã ghi tên mình vào danh sách các nước đầu tư nghiên cứu và sử dụng nguồn năng lượng điện từ thủy triều bằng việc chính thức xây dựng các nhà máy điện thủy triều có công suất 50MW tại Vịnh Kutch – ngoài khơi bờ biển Gujarat. Theo nghiên cứu thì tại Vịnh Kutch, nhà máy điện thủy triều có thể mở rộng công suất lên 250MW, tổng chi phí ước tính khoảng 165 triệu USD.

>> Điện thủy triều đã đến Việt Nam

Ông Hồ Sơn Hùng – Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận cho biết, có một số nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến Bình Thuận xin được triển khai dự án sản xuất điện thủy triều, tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa thể trả lời vì đây là lĩnh vực khá mới mẻ. Tính đến nay, Bình Thuận đã có 2 dự án điện gió công suất 30 MW hòa vào lưới điện quốc gia với giá điện tạm tính với Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 6 xu Mỹ/kWh, 3 dự án điện gió khác đang trong quá trình xây dựng. Hy vọng, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ chính thức có một dự án điện thủy triều đầu tiên chính thức được khởi công.         

Sao Mai

            (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!