Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2019 – 2020 cũng như đề xuất các giải pháp giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn gây ra.
Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho thấy, hạn mặn xuất hiện sớm hơn so với mùa khô năm 2015 – 2016, ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô, tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Do nguồn nước mùa khô năm 2019 – 2020 về vùng ĐBSCL thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và những năm gần đây, cùng đó, do ảnh hưởng của việc xả thấp từ thủy điện Trung Quốc, dự báo dòng chảy tháng 2 từ thượng lưu sông Mê Kông về đồng bằng sẽ ở mức rất thấp. Chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất với ranh giới 4 g/l trong thời kỳ này và trong thời gian tới, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gia tăng ảnh hưởng đến khoảng tháng 3 – 4/2020.
Trước tình hình này, Bộ đã đưa ra giải pháp quan trọng nhằm khắc phục hạn mặn; theo đó, với NTTS, cần tăng cường quan trắc môi trường vùng nuôi để có các giải pháp ứng phó kịp thời; có kế hoạch thả giống phù hợp, không thả giống vào thời điểm khô hạn và xâm nhập mặn, tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước để hạn chế việc thay nước thường xuyên; hạn chế cho ăn khi độ mặn tăng; chủ động thu hoạch khi thủy sản nuôi đạt kích thước thương phẩm trước khi xâm nhập mặn xảy ra. Đề nghị các địa phương kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt ưu tiên các hộ dân nghèo, sống phân tán, ven sông, ven biển chưa được tiếp cận nguồn nước sạch…
Nuôi tôm rừng được ưu tiên phát triển trong bối cảnh hạn mặn – Ảnh: Thanh Ngân
Tuy nhiên, về giải pháp lâu dài, theo đề xuất của Bộ NN&PTNT, các tỉnh ĐBSCL phải triển khai bao gồm đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Cùng đó, khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng (thủy sản – cây ăn quả – lúa), đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng. Bộ cũng đề xuất Ngân hàng Thế giới hỗ trợ dự án cấp nước và vệ sinh nông thôn cho các tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó có khu vực ĐBSCL; phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện dự án cấp nước cho các đô thị khu vực ĐBSCL (có mở rộng cho 8 khu vực nông thôn).