Tỉnh Cà Mau có diện tích sản xuất nông nghiệp rất lớn, thế nhưng, vùng này luôn xảy ra tình trạng tranh chấp mặn – ngọt. Năm 2016, sau đợt hạn mặn diễn ra khốc liệt thì việc tính toán lại quy hoạch để khai thác lợi thế đặt ra cấp bách.
Xã An Xuyên (thành phố Cà Mau) có 1.100 ha quy hoạch sản xuất lúa 2 vụ/năm. Vụ đầu, vào mùa mưa, bà con thu hoạch được vài chục giạ/công. Nhưng vụ sau thường thất do nắng hạn sớm, độ mặn nước tăng cao. Đan xen vùng đất trồng lúa, cũng hơn 1.200 ha đất một vụ lúa – một vụ tôm. Bí thư xã An Xuyên Nguyễn Thanh Đoàn nói: “Tranh chấp mặn – ngọt gay gắt, con tôm lấn dần cây lúa. Về quản lý, ranh giới mặn – ngọt rất mong manh, khó giữ vững theo quy hoach”.
Thời gian gần đây, nhiều nông dân sản xuất lúa 2 vụ trên địa bàn xã An Xuyên gửi đơn đến cơ quan chức năng “tố” một số hộ dân tự ý đưa nước mặn vào đất trồng lúa để nuôi tôm. Bà Châu Thị Trinh ở ấp Tân Thời nói: “Một số người lén phá đập, cho nước nặm kinh Ông Đại vào ruộng lúa để nuôi tôm, ruộng lúa xung quanh bị nhiễm mặn, sao lúa sống nổi?”. Ở khu vực đất quanh kinh Bà Triệu, ấp 4, ông Phạn Văn Năng nói: “Trước đây, mưa gây ngập úng, chính quyền đặt ống bọng tháo nước ra sông Bạch Ngưu. Sau thu hoạch lúa, một số hộ dân gần ống bọng, dẫn nước mặn vào để nuôi tôm, người trồng lúa khóc ròng vì nhiễm mặn”.
Ông Nguyễn Văn Đàng, Trưởng ấp 3, xã Tân Lộc Bắc, cho biết chủ trương xây dựng cánh đồng 68 ha, nhưng đang bị con tôm gặm nhấm dần, còn cánh đồng mẫu mà chẳng thể lớn. Ông nói: “Vận động thì đã vận động rất nhiều, xử phạt cũng đã xử phạt rồi. Bà con không chịu trồng lúa vì nghèo, còn nuôi tôm khá hơn, hiệu quả nhiều lần”.
Nói về làm kinh tế gia đình theo nước mặn, ông Phan Văn Trung, ở ấp 3, xã Tân Lộc Bắc, cho biết: “Tôi chỉ đưa nước mặn vào nuôi tôm mới đây, kinh tế đã phát triển hẳn. Nuôi tôm hiệu quả hơn trồng lúa nhiều, vụ rồi thu hoạch tôm được trên 14 triệu đồng trên diện tích 1,4 ha trồng lúa trước đây. Nuôi tôm khỏe hơn trồng lúa, rảnh rang quanh năm”.
Ông Phan Ngọc Lân chuẩn bị máy bơm để lấy nước mặn nuôi tôm – Ảnh:
Dọc theo những tuyến đường từ thành phố Cà Mau đi U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời rất dễ bắt gặp những vuông tôm “vượt rào” so với quy hoạch vùng ngọt hóa. Riêng tuyến đường nhựa phẳng phiu từ thành phố Cà Mau đi huyện U Minh đến cửa biển Khánh Hội, bà con nông dân sản xuất lúa – tôm thật sự đe dọa đến rừng U Minh.
Buổi sáng trời vừa hửng nắng sau cơn mưa đầu mùa, nhiều người be bờ, xổ nước chuẩn bị cấy lúa trên đất vừa thu hoạch vụ tôm mùa khô. Ông Lê Minh Trí, công an viên phụ trách ấp 1, xã Khánh Hội trong bộ quần áo nhuốm màu phèn vàng khè, nói: “Bà con ở đây, dẫn nước mặn từ kinh xáng Khánh Hội, xuyên qua lòng đường, vừa rửa mặn vào mùa mưa vừa lấy nước mặn vào nuôi tôm mùa khô. Tự mày mò làm ăn cũng đỡ lắm, chớ vùng này nhiễm phèn, nhiễm mặn quá lâu, khó làm lúa”.
Cà Mau cần quy hoạch lại vùng sản xuất mặn – ngọt để khai thác lợi thế địa phương – Ảnh: NTH
Lui cui dọn rác, cỏ dại, thông đường ống xuyên qua tuyến đường U Minh – Khánh Hội, ông Phan Ngọc Lân cho biết, khi triển khai xây dựng đường, bà con chủ động đặt ống cống dưới lòng đất, chủ động lấy nước mặn vô nuôi tôm. Gia đình ông có 1,3 ha đất trồng lúa, phía trong đường cũng là đê bao ngăn mặn, giữ ngọt. “Mấy năm trước, làm lúa một vụ, năm có gặt, năm không phải bỏ đất đi làm thuê. Khi có đường ống xổ phèn, rửa mặn, nuôi được một vụ tôm mùa khô, rồi lại cấy lúa vào mùa mưa có kết quả, mới về ở luôn đây”, ông nói. Cạnh đất ông Lân, ông Nguyễn Văn Mãi, Bí thư Chi bộ ấp 1, xã Khánh Hội có khoảng 3 ha lúa – tôm. Ông nói: Nhà nước vẫn quy hoạch giữ ngọt để trồng lúa một vụ bấp bênh. Năm nào hạn sớm, nước mặn vào, lúa héo queo. Bà con tự phát nuôi tôm trồng lúa xen canh vậy mà có dư”.
Ở xã Biển Bạch (huyện Thới Bình) có 1.800 hộ dân, quy hoạch trồng lúa nhưng đã chuyển 3.500 ha sản xuất lúa – tôm. Ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch UBND xã Biển Bạch nói: “Chúng tôi phải làm ngơ cho bà con làm ăn, quy hoạch ngọt hóa không phù hợp với biến đổi khí hậu, giá lúa thấp, người dân nghèo hoài”.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã thành lập Tổ liên ngành để khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng chuyển dịch tự phát từ đất nông, lâm nghiệp sang sản xuất lúa – tôm tại huyện Thới Bình, U Minh và một phần tại thành phố Cà Mau. Qua đó, tính toán quy hoạch lại vùng sản xuất mặn-ngọt để khai thác tiềm năng lợi thế theo tình hình mới.
>> Ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia về ĐBSCL và sông Mê Kông cho biết: “Đối với vùng mặn hẳn và vùng nước lợ, không nên cố gắng duy trì hệ thống canh tác ngọt suốt năm mà nên thích nghi, theo đó vùng mặn hẳn nên canh tác mặn quanh năm, vùng lợ nên có hệ thống canh tác mặn trong mùa mặn và canh tác ngọt trong mùa ngọt”. |