Để đảm bảo sản phẩm sau thu hoạch đạt chất lượng và hiệu quả, cần quy hoạch vùng nuôi bền vững, tổ chức lại sản xuất trên biển, liên kết trong chế biến…
Thiệt hại lớn
Mặc dù, thời gian qua đã có nhiều giải pháp được triển khai trong công tác đảm bảo chất lượng sản phẩm thủy sản sau thu hoạch nhưng vẫn chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế tự nhiên, các nguồn lực chưa khai thác và sử dụng có hiệu quả, tổn thất sau thu hoạch thủy sản còn rất lớn.
Trong lĩnh vực nuôi trồng, tình trạng nuôi tự phát, nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch cũng là nguyên nhân dẫn tới việc bảo quản sau thu hoạch gặp nhiều hạn chế. Hầu hết các dụng cụ bảo quản không đảm bảo vệ sinh, cách thức bảo quản không đúng, thiết bị vận chuyển không đáp ứng được yêu cầu về nhiệt độ trong suốt quá trình vận chuyển. Cùng đó, người dân sử dụng tùy tiện các chất bảo quản, không tuân theo quy định của Nhà nước… là những thách thức lớn đối với các nhà chế biến, nhất là khi sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU.
Hệ lụy, chất lượng sản phẩm sau thu hoạch thấp, không thể sử dụng để chế biến, xuất khẩu; tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng khiến một số doanh nghiệp xoay sang nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, làm tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả kinh tế. Đây chính là một vòng luẩn quẩn, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành sản xuất thủy sản của Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổn thất sau khai thác thủy hải sản ở nước ta hằng năm 20 – 30% so với tổng sản lượng khai thác (vào khoảng 400.000 tấn, tương đương gần 8.000 tỷ đồng/năm). Nguyên nhân, do phần lớn tàu cá kích thước nhỏ, đóng theo mẫu dân gian nên thường không có các điều kiện tốt để bảo quản sản phẩm sau khai thác. Bên cạnh đó, việc bảo quản sản phẩm đánh bắt vẫn chủ yếu sử dụng nước đá lạnh, nhiệt độ thường 0 – 50C, thời gian bảo quản cho phép không quá 10 ngày.
Bảo quản sản phẩm thủy sản không đúng dẫn đến chất lượng giảm – Ảnh: Quang Quyết
Hiện nay, chỉ có một số ít tàu có công suất lớn đã bố trí hầm chứa sản phẩm có cách nhiệt, thực hiện phân loại bảo quản với các sản phẩm phục vụ ăn tươi và làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Còn lại hầu hết các tàu cá nhỏ thường thiếu mặt bằng để phân loại sản phẩm. Nhiều tàu không thiết kế hầm bảo quản sản phẩm. Các tàu rất khó khăn cho việc bảo quản, sơ chế sau khai thác nên đã làm giảm chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.
Trong khi đó, ngành chế biến thủy sản đang phải đối mặt với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, khi người dân và một số doanh nghiệp thủy sản đang lạm dụng hóa chất trong hoạt động nuôi trồng và bảo quản sản phẩm. Ngoài ra, các sản phẩm chế biến còn đơn điệu, chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu thô. Máy móc, thiết bị chế biến cũ kỹ, lạc hậu cũng là trở ngại cho việc phát triển ngành chế biến thủy sản. Công tác dự báo thị trường tiêu thụ còn yếu, thiếu kiến thức thương mại, dẫn tới việc doanh nghiệp không chủ động được thị trường…
Tổng thể các giải pháp
Việc triển khai các giải pháp giảm tổn thất sau thủy sản là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Để đảm bảo chất lượng nguyên liệu và giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch, các vùng nuôi cần được quy hoạch bền vững. Các hộ nuôi cần nắm rõ phương pháp thu hoạch, bảo quản.
Với mục tiêu đến năm 2020, tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản giảm từ trên 20% như hiện nay xuống dưới 10%, Bộ NN&PTNT đề nghị Tổng cục Thủy sản và các địa phương cần tập trung vào các nhóm giải pháp. Theo đó, tập trung kinh phí khuyến ngư, khuyến công triển khai các mô hình, máy móc thiết bị bảo quản sản phẩm giảm tổn thất. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp để xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo quản, sơ chế sản phẩm thủy sản trên các tàu cá. Cùng đó, tổ chức lại sản xuất trên biển.
Ngoài ra, cần tiếp tục đầu tư, nhân rộng các mô hình “tổ đoàn kết trên biển” ngày càng phát triển về số lượng và hoạt động có hiệu quả; khuyến khích các địa phương chuyển từ khai thác tàu công suất nhỏ hoạt động gần bờ sang khai thác bằng tàu công suất lớn hoạt động xa bờ và viễn dương; tăng cường hướng dẫn ngư dân quy trình công nghệ, kỹ thuật bảo quản, cách thức vận hành máy móc thiết bị bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản…
Để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu, ngành chế biến cần thực hiện tốt việc đầu tư nâng cấp máy móc, thiết bị hiện đại; gắn kết nhà máy chế biến với các vùng nguyên liệu và trung tâm công nghiệp chế biến ở từng địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và đầu tư kho lạnh thương mại để đảm bảo chất lượng thủy sản. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, chú trọng việc sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô…
Đối với cơ quan quản lý, tích cực giám sát việc sử dụng hóa chất trong nuôi trồng và bảo quản nguyên liệu sau thu hoạch. Các tỉnh, thành cần có chính sách liên kết vùng nhằm hỗ trợ nhau phát triển, phát huy thế mạnh của từng địa phương.
Bên cạnh đó, ngành thủy sản tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp quản lý tốt chất lượng giống thủy sản, các yếu tố đầu vào, đầu tư công nghệ nuôi để tăng năng suất, góp phần đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến; Đánh giá ngư trường để lên kế hoạch phát triển các đội tàu, các nghề khai thác phù hợp nhằm cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu thủy sản.
>> Để tăng cường nguồn vốn về khu vực nông nghiệp, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 63/2010/QĐ-TTg về Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản và sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 65/2011/QĐ-TTg. Theo đó, hàng nghìn hộ nông dân được vay vốn giá rẻ song tổn thất sau thu hoạch vẫn chưa được khắc phục hiệu quả. |