T2, 06/07/2020 01:42

Gian nan chống khai thác IUU

Chưa có đánh giá về bài viết

Dự kiến tháng 10/2019, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để đánh giá kết quả sau hai năm triển khai chống chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần tháo gỡ.


Chấm dứt tàu cá và ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản

Kết quả chưa cao

Báo cáo của Bộ NN&PTNT, ngay sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố ven biển đã tập trung chỉ đạo, đề ra các giải pháp để khắc phục khuyến nghị của EC. Ngoài việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chống khai thác IUU, Bộ NN&PTNT và Bộ Quốc phòng đã ký kết các quy chế phối hợp để tăng cường thực thi pháp luật trên biển. Qua đó tăng cường sự hiện diện của các lực lượng thực thi pháp luật như Kiểm ngư, Hải quân, Cảnh sát Biển tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn, tranh chấp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực để xử lý tàu cá vi phạm; hỗ trợ kịp thời tàu các bị nước ngoài bắt giữ, xử lý trái phép… Năm 2018, Bộ NN&PTNT đã cấp 4.589 giấy chứng nhận nguyên liệu thủy sản và 75.000 tấn thủy sản xuất khẩu vào EU; quý I/2019, cấp 856 giấy chứng nhận bằng 12.000 tấn thủy sản xuất khẩu vào EU. Đặc biệt, không còn tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển các quốc đảo Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, tình hình thực hiện các khuyến nghị của EC vẫn còn những bất cập nhất định, như việc giảm thiểu tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, triển khai hệ thống theo dõi, giám sát, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, truy xuất nguồn gốc thủy sản tại cảng, hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá…

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết thực tế trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển, nhiều địa phương vẫn chưa xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng. Cụ thể, về kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đây là điều kiện tiên quyết để gỡ “thẻ vàng” hoặc nguy cơ cao bị “thẻ đỏ” trong đợt kiểm tra của Đoàn thanh tra EC vào tháng 10/2019 tới đây tại Việt Nam.

Trong năm 2018, xảy ra 85 vụ/137 tàu/1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng 28 vụ/46 tàu/379 ngư dân so với năm 2017. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2019, đã xảy ra 41 vụ/69 tàu/271 ngư dân vi phạm. Các tỉnh có nhiều tàu cá vi phạm gồm: Kiên Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Bình Định, Bình Thuận… Tuy  nhiên, theo chia sẻ của đại diện Bộ Ngoại giao, con số này còn cao hơn rất nhiều. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, Bộ này phải bảo hộ 72 vụ/122 tàu/1.015 ngư dân (gần gấp đôi), nhiều nhất là ở Indonesia và Malaysia.

Xác định nhiệm vụ

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia chống khai thác IUU mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương trong việc khắc phục những khuyến nghị của EC, tuy nhiên, vẫn chưa đạt theo yêu cầu. Đặc biệt là tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài còn phổ biển; công tác giám sát tàu cá hoạt động trên biển, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa tốt; việc xử lý các hành vi khai thác bất hợp pháp chưa nghiêm, chưa triệt để; nguồn lực cho hoạt động chống khai thác IUU chưa được đầu tư đúng mức.

Theo đó, đề nghị các bộ, ban, ngành, 28 tỉnh/thành ven biển cần quyết liệt, tập trung thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 45, các Công điện: số 732/CĐ-TTg, số 1275/CĐ-TTg và Quyết định số 78/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Mục tiêu là phải ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm quy định đánh bắt cá của Việt Nam và quốc tế; về lâu dài phải đảm bảo cho nghề cá Việt Nam phát triển bền vững.

Bộ NN&PTNT cần chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành trung ương xây dựng Chiến lược, kế hoạch phát triển ngành hậu cần nghề cá theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng hệ thống cảng cá (đảm bảo kiểm soát được tàu cá, nguồn gốc chất lượng thủy sản…); Chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các Bộ, Ban, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU; Thành lập Tổ công tác liên ngành giúp việc Ban chỉ đạo quốc gia về IUU.

Các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của Bộ Quốc phòng ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản, kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan để tàu cá và ngư dân địa phương tiếp tục vi phạm vùng biển nước ngoài. Triển khai ngay việc cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá khai thác xa bờ đúng lộ trình theo quy định…

>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng và ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo; triển khai kế hoạch tiếp đoàn làm việc của EU vào tháng 10 tới; tổ chức đôn đốc địa phương hoàn thiện việc thực hiện các quy định của Luật Thủy sản, cùng đó, sớm hoàn thiện triển khai đề án khai thác đại dương.

An Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!