Theo “Khởi nguyên 1″ trong kinh ” Cựu Ước”, sau 4 ngày đầu làm ra ánh sáng, trời, đất, trăng sao, sang ngày thứ năm, Chúa làm ra biển và cá. Biển làm cho đất dịu mát, cá là nguồn thức ăn vô tận của muôn loài. Cũng từ đó, Chúa thường xuất hiện trên sóng nước đại dương, dẹp yên bão gió, ban phát cá và giảng đạo cho các môn đệ …
Từ La Mã đến Biển Đông
Công giáo từ lục địa già lan tỏa trên thế giới chủ yếu qua đường hàng hải của đại dương. Con đường “tơ lụa tâm linh” trên nước ấy quả thực là những trang ký ức tuyệt vời của nhân loại. Với 3.600 km bờ biển, Việt Nam từ xưa được La Mã xem là một trong những quốc gia đắc địa để truyền đạo Thiên chúa trên bán đảo Đông Dương và cả vùng Đông Á.
Năm 1516, Fernao Prez Andrade, nhà hải dương học lừng danh người Bồ Đào Nha, ghé cửa biển Hội An, như một tín hiệu đầu tiên, manh nha. Những năm sau đó, các thuyền buôn của Đào Bồ Nha, Tây Ban Nha, Pháp…mang theo hàng hóa và cả những nhà truyền giáo nổi tiếng của phương Tây tới các vùng biển Việt Nam.
Năm Nguyên Hòa thứ 1, triều vua Lê Trang Tông (1533), những linh mục phương Tây chính thức đặt chân lên vùng đất Hải Hậu – Nam Định, truyền đạo cho các ngư dân ven biển. Ban đầu, các nhà nguyện được dựng lên bằng cột kèo tre, mái cỏ, ở phía trong chân đê chắn sóng. Sau đó, các nhà thờ kiên cố bằng gạch, đá, xi măng cốt thép mọc lên trên rẻo đất ven biển phì nhiêu vùng hạ lưu sông Hồng do công lao khai phá, dựng làng lập ấp của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ .
Một vòng cung công giáo rộng lớn bên Biển Đông từ Phát Diệm – Ninh Bình đến Tiền Hải – Thái Bình hình thành. Bù Chu (Nam Định), Phát Diệm (Ninh Bình) có lẽ là những giáo xứ biển lớn nhất Đông Nam Á. Dọc bờ biển của 3 tỉnh (Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình) đến nay có khoảng hơn 200 nhà thờ lớn nhỏ. Riêng xã Hải Lý huyện Hải Hậu đã có tới 20.
Thánh Đường giữa đại dương
Đảo Phú Quốc còn được gọi là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất Việt Nam. Diện tích Phú Quốc gần bằng lãnh thổ Singapore, dân số 80.000 người, trong đó, có hơn 2.000 giáo dân. Họ đạo trên đảo Phú Quốc hầu hết là dân vùng Thanh – Nghệ đến đây khởi nghiệp ở đồn điền cao su Bãi Khem từ năm 1930. Hai linh mục đầu tiên từ Malaysia vượt biển đến Phú Quốc lập họ đạo là linh mục Albeza và Merdrignae. Hiện trên đảo Phú Quốc có 2 thánh đường, một ở xóm 2 khu phố 3 thị trấn An Thới, một ở khu phố 10 đường Cách mạng tháng Tám thị trấn Dương Đông. Giáo dân ở Phú Quốc bây giờ đa số là ngư phủ. Họ rất giỏi đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, làm nước mắm và trồng hồ tiêu.
Đảo Côn Sơn (còn gọi là Côn Đảo), cách đất liền 97 hải lý, dân số 7.500 người. Trên đảo Côn Sơn có ngọn núi cao nhất (577 m) mang tên Thánh Giá. Cái tên Thánh Giá ngọn nguồn từ câu chuyện hơn bảy trăm năm trước. Năm 1294, đoàn thuyền của nhà thám hiểm Marco Polo, người Italia, trên đường từ Trung Hoa về nước thì gặp bão lớn, phải ghé vào Côn Sơn trú tạm. Siêu bão năm ấy đã nhấn chìm 8 chiếc thuyền, làm mất tích 30 thủy thủ đoàn. Để tưởng nhớ những người bạn đồng hành nằm lại ở vùng biển này, Maraco Polo đã tổ chức cầu nguyện và dựng một cây thánh giá gỗ nguyên khối cao 9 mét trên đỉnh núi cao nhất Côn Sơn để khắc tên những người anh em. Thánh đường Côn Sơn xây dựng 1954, được nâng cấp hai lần vào năm 1958 và năm 1967 do cha xứ Nguyễn Thiện Thuật khởi xướng. Họ đạo Côn Sơn thuộc giáo xứ Bà Rịa, tuy chỉ có hơn một trăm người nhưng họ đã phần nào góp sức cho hòn đảo xa xôi này ngày một xinh đẹp, trù phú.
Đảo Phú Quý cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý, diện tích 16 km², còn được gọi là Cù Lao Thu hoặc Cù Lao Khoai Xứ. Họ đạo trên đảo Phú Quý chỉ có 150 giáo dân, thuộc giáo xứ Bình Thuận, do linh mục Phê rô Nguyễn Đình Sáng đứng đầu. Thánh đường trên đảo Phú Quý khánh thành năm 2012, tuy nhỏ nhưng khang trang, ấm cúng, là nơi gặp gỡ, cầu nguyện của các con chiên trên đảo mỗi dịp cuối tuần. Đặc sản cá mú hấp, gỏi ốc vú nàng cùng với cảnh quan xinh đẹp của hòn đảo này là địa chỉ hấp dẫn cho du khách bốn phương.
Còn đảo Lý Sơn còn được gọi là Cù Lao Ré, cách đất liền 28 km, diện tích 10 km², dân số trên 20.000 người. Đầu thế kỷ 17, tại Lý Sơn, chúa Nguyễn tổ chức Hải đội Hoàng Sa chuyên khai thác những đặc sản biển ở quần đảo Hoàng Sa để tiến vua, đồng thời khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên quần đảo này. Năm 1963, thánh đường trên đảo Lý Sơn được khởi công. Năm 2011, chánh xứ Lý Sơn được bổ nhiệm. Năm 2013, nơi đây được chính quyền tạo điều kiện khởi công xây dựng thánh đường mới và đã khánh thành, đưa vào sử dụng. Những giáo dân nói riêng và cũng là ngư dân Lý Sơn nói chung chủ yếu đánh bắt hải sản trên ngư trường Hoàng Sa vừa làm giàu cho mình vừa góp phần bảo vệ biển đảo quê hương. Đảo Lý Sơn còn được gọi là “Đảo Tỏi” bởi cùng với sản phẩm cá ngừ, cá cơm, tỏi Lý Sơn đã trở thành thương hiệu hàng hóa nổi tiếng trong nước và thế giới.
Đất liền – nhiều ngư dân tốt đời đẹp đạo
Hiện ở Việt Nam có 7,2% dân số theo đạo Thiên chúa (khoảng 7,5 triệu người). Trong số đó, ¾ là ngư dân hành nghề ven biển, cư trú trên đảo, trên sông. Những địa phương có tỷ lệ dân công giáo cao là huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu (Nam Định), Tiền Hải, Diêm Điền (Thái Bình)… Đặc biệt có xã, dân công giáo chiếm đại đa số dân cư ở địa phương như Kim Mỹ (88%), Xuân Thiện (86%), Cồn Thoi (84, 3%), Văn Hải (84%)…
Giáo xứ Phát Diệm có tới 7 xã ven biển. “Phát Diệm” có nghĩa là “phát sinh ra cái đẹp”. Thời gian qua, giáo dân nơi đây đã đoàn kết xây dựng cộng đồng quê hương, đóng góp nhiều thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Ở giáo xứ Bùi Chu, hình ảnh đàn ông ra khơi, đàn bà đan lưới, dệt chiếu, làm muối đã thành nét đẹp truyền thống của một trong hai xứ đạo lớn nhất nước này. Nem mắm Giao Thủy, gỏi nhệch Nghĩa Hưng, muối Hải Chính, nghề rèn Xuân Trường, nghêu tươi xuất khẩu, gạo tám xoan…là hương vị, sản vật đặc thù của xứ đạo Bùi Chu. Giám mục Hoàng Văn Tiệm, linh mục Nguyễn Đức Hiệp, những người đã được chúa gọi về, nhưng dấu ấn “tốt đời đẹp đạo” của các ngài mãi là những gương sáng cho các con chiên noi theo.
Giáo xứ Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) gồm 3 xã Nghi Sơn, Hải Thượng, Hải Hà. 100% giáo dân nơi đây là ngư dân, những người chỉ quen “ăn sóng nói gió”. Linh mục Bùi Quang Tạo cùng Hội đồng giáo xứ đã dày công xây dựng cộng đồng Nghi Sơn trở thành”Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa”.
Xóm đạo Xuân Dương, huyện Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An thuộc giáo xứ Trang Cảnh vừa được Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Nghệ An tặng bằng khen về những đóng góp của họ trong việc bảo vệ an ninh biển đảo. Trong số những ngư dân yêu nước ấy, ông Nguyễn Văn Toan, chủ tàu cá NA90040 TS là một giáo dân điển hình. Con tàu 155 mã lực cùng với 30 năm kinh nghiệm nghề nghiệp của ông Toan, đã góp phần làm cho ngư trường Bạch Long Vĩ thêm tấp nập bình yên. Mỗi năm lãi 300 triệu, chẳng những ông Toan đã làm giàu cho bản thân và gia đình mình mà còn tạo việc làm cho 12 thuyền viên, với mức lương 8 triệu đồng một tháng.
Tượng chúa cao 32 m, sải tay 18,4 m, là tượng chúa cao nhất bên bờ Biển Đông, trên đỉnh Tao Phùng của Núi Nhỏ thuộc mũi Bạch Dinh – Vũng Tàu, cùng với hàng trăm thánh đường ven biển, ngoài hải đảo sẽ thắp sáng lung linh đại dương xanh trong đêm giáng sinh, thể hiện lòng kính chúa – yêu nước của hàng triệu giáo dân đang góp công sức, máu xương cùng cả dân tộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc Việt Nam yêu dấu!
Thời khắc này, khắp mọi nơi trên thế giới đang chuẩn bị đón khoảnh khắc chúa chào đời trên máng cỏ hơn hai nghìn năm trước. Biểu tượng mùa Giáng sinh năm 2014 không chỉ là ông già Noel ngồi trên cỗ xe trượt tuyết do con tuần lộc kéo mà còn xuất hiện thêm ông già Noel đội mũ lặn, đi giầy chân vịt, bơi lặn, tặng quà dưới đại dương. Mở đầu mùa Giáng sinh năm nay, ngư dân Ruben Torret đã may một bộ trang phục ông già Noel tuyệt đẹp trên một chiếc thuyền chở quà Giáng sinh đi dọc bờ biển Valpraise – Chile, phát quà cho trẻ em. Trên bãi biển Puri bang Odisha – Ấn Độ, những cây thông giáng sinh, đã thắp sáng xung quanh tượng chúa Jesu khổng lồ. Tại Đức hay Vương quốc Anh những phiên chợ Giáng sinh có tuổi đời mấy trăm năm cũng bắt đầu tấp nập…
Trong đêm Noel, chắc chắn còn nhiều ngư dân đánh bắt ở các ngư trường xa xôi, không kịp cập bờ để đón lễ giáng sinh. Xin cầu chúc cho họ một đêm Giáng sinh vui vẻ trên đại dương, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc và bình yên!