(Thủy sản Việt Nam) – Hiện nay, nguồn cá lóc trong tự nhiên bị khai thác quá mức và có xu hướng cạn kiệt. Do vậy, nhiều địa phương đã tiến hành nuôi thử nghiệm thành công mô hình nuôi cá lóc trong bể với quy mô nhỏ. Xã Quảng Đại, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá là địa phương ứng dụng rộng rãi và thành công mô hình này.
Nhân rộng mô hình
Từ thử nghiệm thành công ban đầu, Phòng Thủy sản (Sở NN&PTNT), đơn vị trực tiếp thực hiện các mô hình nuôi cá lóc nhằm giới thiệu, phát triển nuôi mới trên địa bàn tỉnh. Đây là hình thức nuôi đơn thương phẩm, thời gian thực hiện là 6 tháng. Các nông hộ phải đáp ứng các điều kiện: Có sẵn bể đủ diện tích (tổng các bể khoảng 100m2) đạt yêu cầu kỹ thuật… Nguồn nước phải không bị nhiễm phèn. Bể nuôi có diện tích từ 9m2 trở lên. Mặt trong của bể trơn, phẳng (hoặc lót bạt nếu bể chỉ xây gạch) để tránh cá bị va đập, xây xát và đáy bể nghiêng về cống thoát nước. Nếu bể mới xây phải ngâm và thay nước hàng ngày (khoảng 7 ngày) để tránh mùi xi măng ảnh hưởng đến cá nuôi. Bể cũ cần xử lý vôi trước khi nuôi. Nguồn nước lấy vào bể nếu là nước giếng thì phải bơm qua bể lắng để xử lý hoặc bơm trực tiếp qua túi vôi để tăng hàm lượng O2 và pH trong nước, với mực nước khoảng 40-50cm.
Ông Trịnh Xuân Ninh, thôn 8 xã Quảng Đại đang chăm sóc cá lóc
Thả cá giống có kích cỡ khoảng 4-5cm/con, đồng đều nhau, khỏe mạnh, không xây xát, không bị nhiễm bệnh với mật độ khoảng 50-100 con/m2 vào sáng sớm (8 giờ) hoặc chiều mát (sau 16 giờ). Cá lóc là loài cá ăn động vật. Ở những vùng thiếu cá tươi thì có thể cho cá ăn bằng thức ăn tự chế biến gồm đầu cá xay nhỏ trộn bột gòn và men tiêu hóa. Nên cho cá ăn bằng sàn với khẩu phần ăn từ 5-10% trọng lượng cá nuôi/ngày và thường xuyên theo dõi tốc độ sinh trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Ngoài ra, do nuôi trong bể với mật độ cao và thức ăn có hàm lượng đạm cao nên trong quá trình nuôi định kỳ thay nước một ngày 1 lần vào buổi sáng (6 giờ) để tránh gây ô nhiễm bể nuôi. Mùa mưa, cá có khả năng phóng cao khoảng từ 1-1,5m, vì vậy trên thành bể phải rào lưới để tránh cá thoát ra ngoài. Cứ sau mỗi tháng phân cỡ một lần, tách con lớn, con nhỏ nuôi riêng để cá phát triển đồng đều. Trước khi phân cỡ cần cho cá nhịn ăn một ngày để cá tiêu hóa hết thức ăn trong bụng. Dùng vợt phân loại chứ không bắt bằng tay. Định kỳ bổ sung vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn của cá.
Qua 6 tháng nuôi, ước tính tỷ lệ sống là 80% (trên tổng số 6.250 con cá giống), trọng lượng cá trung bình 600g/con, lượng cá thu hoạch đạt khoảng 3.000kg.
Hướng làm giàu mới
Hiện nay, xã Quảng Đại đã có 20 hộ gia đình áp dụng việc nuôi cá trong bể xây bằng xi măng với gần 50 bể. Trung bình, một bể 25m2 có thể nuôi 2.000 con cá quả. Thấy mô hình nuôi cá này phù hợp, ông Trịnh Xuân Ninh, ở thôn 8 đã quyết định đầu tư hai bể nuôi cá trên sân và vườn. Ông Ninh cho biết: “Mỗi năm, tôi thu hoạch hơn 2 tấn cá; giá trung bình 47 triệu đồng/tấn, trừ chi phí, thực lãi khoảng 35 triệu đồng”.
Ông thiếu tá về hưu Nguyễn Bá Nga ở cùng thôn cũng tiến hành nuôi cá từ mấy năm nay. Bể cá của ông chỉ rộng chừng 30m2 nên mỗi lứa ông chỉ thả 2.000 con giống. Sau mỗi lứa nuôi, ông thu hoạch trên 1 tấn cá thịt. Thu nhập mỗi lứa cá trung bình trên dưới 50 triệu đồng, ông lãi hơn 20 triệu.
Hộ nuôi quy mô nhất nhì ở Quảng Đại là gia đình ông Cao Văn Vảy với 4 bể nuôi. Trung bình mỗi lứa, ông nuôi một vạn con, cho thu hoạch khoảng 6 tấn cá. Mỗi năm, gia đình ông thu lãi trên 100 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 4 lao động trong gia đình.
Do cá không ăn bột công nghiệp nên thịt vẫn thơm ngon như cá tự nhiên. Mấy năm qua, cá thịt ở đây xuất bán rất thuận lợi và chưa có tình trạng ế hàng. Các đầu nậu từ Ninh Bình, Hà Nội, Nam Định vẫn định kỳ chạy xe tải nhỏ về thu gom để nhập cho các nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, để mô hình kinh tế này phát triển rộng rãi hơn nữa, vấn đề thị trường cần được quan tâm hơn. Nếu có thể thành lập Hiệp hội nuôi cá lóc để chia sẻ kinh nghiệm, liên hệ thị trường bền vững thì hiệu quả không chỉ có thế.
Lê Trung Hợi