(TSVN) – Thời gian qua, nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã có những bước chuyển đổi mạnh theo hướng chất lượng, hiệu quả và có nhiều đóng góp vào nền kinh tế. Tuy nhiên để ngành bứt tốc, cần giải quyết nhiều “điểm nghẽn”, trong đó có vấn đề về con giống, bởi đây là yếu tố quan trọng khởi đầu cho sự thành công. Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Công Khôi (ảnh), Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, để hiểu rõ hơn về những mục tiêu và giải pháp của ngành trong năm 2023 cũng như chặng đường sắp tới.
PV: Ông đánh giá thế nào về kết quả của ngành NTTS Việt Nam năm 2022?
Có thể nói, 2022 là một năm khó khăn đối với ngành thủy sản nói chung và lĩnh vực NTTS nói riêng. Tuy nhiên với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các Bộ, ban, ngành, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, nỗ lực của các doanh nghiệp, hội, hiệp hội, người nuôi, ngành NTTS vẫn đạt kết quả kỷ lục, góp phần cho đà tăng trưởng dương của ngành nông nghiệp và kinh tế cả nước.
Tổng diện tích NTTS nước ta năm 2022 ước đạt 1,3 triệu ha và khoảng 11 triệu m3 lồng bè; sản lượng ước đạt 5,19 triệu tấn, tăng 7% so năm 2021. Giá trị xuất khẩu sản phẩm NTTS đạt mức kỷ lục 6,8 – 6,9 tỷ USD; trong đó giá trị xuất khẩu tôm đạt 4,2 – 4,3 tỷ USD, cá tra 2,3 – 2,4 tỷ USD, nhuyễn thể đạt 150 triệu USD và tôm hùm đạt gần 30 triệu USD.
PV: Giảm cường lực khai thác, tăng NTTS là mục tiêu mà ngành thủy sản nước ta đặt ra để phát triển bền vững. Với mục tiêu này, theo ông đâu sẽ là những thuận lợi và khó khăn mà ngành NTTS sẽ phải đối mặt trong thời gian tới?
Ngày 11/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3 – 4%/năm; tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn (sản lượng NTTS đạt 7 triệu tấn); số lượng tàu thuyền giảm từ 94.572 tàu xuống còn 72.000 tàu; sản lượng khai thác thủy sản từ 3,92 triệu tấn giảm còn 2,8 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 – 16 tỷ USD.
Ảnh: Phan Thanh
Với mục tiêu này, ngành NTTS có nhiều thuận lợi, cũng như vẫn phải đối mặt với một số khó khăn nhất định. Về thuận lợi, dư địa để phát triển NTTS còn khá nhiều. Ngoài 1,3 triệu ha diện tích mặt nước đang nuôi, chúng ta còn 500.000 ha diện tích mặt nước biển có thể NTTS, 6.695 hồ chứa nước, tổng dung tích trên 796.143 triệu m3 phân bố ở 45/63 tỉnh, thành. Bên cạnh đó, ngành NTTS cũng nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các địa phương, với nhiều chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch đã được ban hành trong thời gian qua.
Về khó khăn, hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được hoàn thiện theo Luật quy hoạch, gây khó khăn cho định hướng phát triển NTTS, nhất với các đối tượng chủ lực, nuôi lồng bè, NTTS trên biển. Biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho phát triển NTTS. Cơ sở hạ tầng phục vụ NTTS vừa thiếu, vừa yếu, khó đáp ứng cho yêu cầu nuôi thâm canh, công nghệ cao. Chất lượng giống thủy sản chậm được cải thiện. Giống tôm nước lợ chủ yếu nhập khẩu, giống cá tra tuy đã được cải thiện chất lượng nhưng chuyển biến chưa nhiều. Khoa học công nghệ phục vụ chuỗi NTTS chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Liên kết chuỗi trong NTTS tuy đã hình thành nhưng chưa bền vững. Ngoài ra còn có một số thách thức khác như: Tác động của xung đột Nga – Ukraine cùng những hậu quả của đại dịch COVID-19; giá cả một số hàng hóa đầu vào phục vụ NTTS tăng cao…
PV: Để tăng tốc cho NTTS, bài toán về giống là vấn đề cần phải được quan tâm hàng đầu. Như ông chia sẻ, chất lượng giống thủy sản hiện nay chậm được cải thiện, ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Năm 2022, lĩnh vực giống thủy sản đã có những thay đổi căn bản, tích cực cả về chất và lượng, đó là kết quả của một quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng của cả hệ thống, thông qua việc triển khai đồng loạt các giải pháp trước mắt và lâu dài. Hiện, cả nước có khoảng 9.670 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, trong đó có 2.580 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ; 2.570 cơ sở ương cá tra giống và 105 cơ sở sản xuất giống cá tra. Sản lượng giống cá tra ước đạt 25,59 tỷ cá tra bột và 3,558 tỷ cá giống. Sản lượng tôm giống đạt khoảng 144,5 tỷ con.
Về cơ bản, sản xuất giống thủy sản đã đáp ứng đủ nhu cầu nuôi trong nước, nhưng vẫn còn vài điểm nghẽn như: Tôm nước lợ bố mẹ phần lớn phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài. Chất lượng giống tuy được kiểm soát nhưng chưa toàn diện, vẫn còn một số lô giống không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch, kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Giống cá tra tuy đã cải thiện chất lượng nhưng chưa nhiều, tỷ lệ sống từ cá bột đến cá giống còn thấp. Giống phục vụ nuôi biển còn thiếu cục bộ, chưa đáp ứng được mùa vụ nuôi. Giống cá nước lạnh chưa chủ động được, vẫn chủ yếu là nhập trứng từ nước ngoài về. Hạ tầng phục vụ sản xuất giống còn yếu và thiếu.
PV: Vậy theo ông, cần những giải pháp gì để sản xuất giống tăng tốc cả về chất và lượng?
Cần rất nhiều giải pháp về sản xuất và cung ứng giống nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu NTTS, nhưng có 3 nhóm giải pháp cần đặc biệt lưu ý. Một là, phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng giống, nhằm cung cấp đủ nguồn giống chất lượng cao phục vụ nuôi thương phẩm trong vùng và hướng tới cung cấp con giống cho các vùng nuôi khác trên phạm vi cả nước. Hình thành các trung tâm sản xuất giống tôm sú, TTCT chất lượng cao, quy mô lớn ở Kiên Giang, Bạc Liêu; hình thành 4 – 5 trung tâm sản xuất giống cá tra chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng cho nuôi thương phẩm ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Vĩnh Long; xây dựng các trung tâm sản xuất giống cá biển tại Nam Trung bộ, Kiên Giang. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng cho các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, II, III, Viện Nghiên cứu Hải sản theo Quyết định số 703/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/5/2020 phê duyệt “Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.
Hai là, tập trung đầu tư khoa học công nghệ để cải thiện, nâng cao chất lượng giống một số đối tượng đã sản xuất được như cá tra, tôm sú, TTCT, một số giống cá biển và rong biển. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, làm chủ quy trình sản xuất giống với các đối tượng tiềm năng như tôm hùm, cá nước lạnh, một số loài cá biển; tiếp tục chọn giống để dần chủ động được nguồn tôm bố mẹ trong nước phục vụ nhu cầu nuôi.
Ba là, quản lý chặt chất lượng tôm giống lưu thông trên thị trường, tập trung kiểm tra, kiểm soát, để 100% cơ sở sản xuất giống thủy sản được kiểm tra và cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất giống khi tham gia sản xuất giống; các lô giống xuất ngoại tỉnh phải được kiểm dịch; thủy sản bố mẹ được kiểm soát theo Thông tư 26/2018/TT-BNNPTNT.
PV: Còn với ngành NTTS, ngành đã chuẩn bị “tâm thế” gì để đạt được mục tiêu tăng trưởng như đã kỳ vọng, thưa ông?
Ngành thủy sản nói chung, NTTS nói riêng đã chuẩn bị đầy đủ các giải pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023, với mục tiêu sản lượng NTTS đạt 5,2 triệu tấn.
Thứ nhất, tổ chức thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn. Chúng ta vừa hướng dẫn, tuyên truyền để các cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS, các cơ sở NTTS hiểu và thực hiện nghiêm các quy định, vừa rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định cho gần với thực tiễn hơn.
Thứ hai, tổ chức thực hiện thành công các chương trình, đề án như: “Chương trình phát triển NTTS đến năm 2030”; “Đề án phát triển NTTS trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; “Đề án phát triển NTTS bền vững vùng ĐBSCL đến năm 2030”; “Đề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2030”; “Đề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm càng xanh”; “Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030”; “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL”.
Thứ ba, bên cạnh việc phát triển nuôi thâm canh, siệu thâm canh, tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng các quy trình nuôi, mô hình nuôi thân thân thiện với môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Thứ tư, làm tốt công tác quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh trong NTTS. Tổng cục Thủy sản cùng các viện nghiên cứu tổ chức quan trắc môi trường NTTS tổng thể, các địa phương tổ chức quan trắc môi trường ở các vùng đầu nguồn, các vùng có nguy cơ ô nhiễm, cơ sở nuôi giám sát môi trường tại cở sở nuôi của mình.
Thứ năm, tiếp tục tổ chức lại sản xuất NTTS theo hướng liên kết chuỗi giá trị; xác định rõ các khâu trong chuỗi giá trị trên từng đối tượng nuôi, từng vùng địa lý, xác định rõ các điểm nghẽn để tập trung tháo gỡ, đặc biệt trên tôm nước lợ, nuôi lồng bè, NTTS trên biển (tôm hùm).
Và cuối cùng là tiếp tục phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản: Ưu tiên xây dựng và thực hiện chương trình phát triển các thị trường trọng điểm; xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các nhóm sản phẩm chủ lực, đồng thời phát triển thị trường tiêu thụ nội địa.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phương Ngọc
(Thực hiện)