Sáng 19-11, tại TPHCM, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 4 về Biển Đông đã được khai mạc.
Với tên gọi “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, hội thảo do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức. Gần 200 chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế tham dự.
Khai mạc hội thảo, ông Đặng Đình Quý – Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, Biển Đông là một trong những khu vực có tranh chấp phức tạp nhất trên thế giới.
Thời gian qua, sự phức tạp ấy đang gia tăng do những chuyển biến chính trị, kinh tế, quân sự và an ninh của nhiều nước trong khu vực, các vấn đề an ninh phi truyền thống như cướp biển, ô nhiễm môi trường, sự xuống cấp của các nguồn hải sản, biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng… Việt Nam đã chứng kiến những nỗ lực vượt bậc của các bên trực tiếp và không trực tiếp liên quan tranh chấp, góp phần ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy hợp tác để Biển Đông tiếp tục là khu vực hoà bình.
Biển Đông là một trong những khu vực có tranh chấp phức tạp.
Ngoài tầm quan trọng của việc triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC), ASEAN và Trung Quốc đã đạt được những thỏa thuận về xúc tiến xây dựng bộ Quy tắc ứng xử (COC).
Đặc biệt trong những lần căng thẳng ở Biển Đông, các nỗ lực ngoại giao giữa các nước liên quan trực tiếp tới tranh chấp mà cụ thể là giữa ASEAN và Trung Quốc vẫn không bị gián đoạn.
Tại hội thảo này, các chuyên gia đã báo cáo chuyên đề về Biển Đông: “Biển Đông trong sự dịch chuyển của địa chính trị”; “Những diễn biến trong thời gian qua ở Biển Đông”; “Chính trị nội bộ và các chính sách đối ngoại ở Biển Đông”.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều học giả nổi tiếng như giáo sư Geoffrey Till – Trường đào tạo sỹ quan và tham mưu liên quân, Đại học King – Luân Đôn; Phó Đô đốc Hideaki Kaneda – Giám đốc Viện Okazaki Nhật Bản; giáo sư Renato Cruz De Castro – Khoa nghiên cứu Quốc tế, Đại học De La Salle Manila Philippines…
Hầu hết các học giả đã đánh giá cao tiềm năng tài nguyên biển phong phú, giá trị kinh tế của các tuyến đường vận tải biển qua Biển Đông và khẳng định tầm quan trọng của Biển Đông đối với môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp, các nước trong khu vực càng cần phải nỗ lực lớn hơn, đồng thời cần tìm ra các phương cách hiệu quả hơn để đưa kết quả nghiên cứu, các khuyến nghị chính sách đi vào cuộc sống.
Một số học giả nhận định các biện pháp xây dựng lòng tin an ninh biển như việc thiết lập đường dây nóng, tổ chức tuần tra hải quân chung ít nhiều đã cải thiện được môi trường và kiểm soát vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Ngoài ra, cũng cần tận dụng các kênh ngoại giao và quốc phòng hiện đang kết nối các quốc gia trong khu vực, ví dụ như đối thoại chính phủ trực tiếp, tiếp tục các cơ chế đối thoại an ninh khu vực hiện có như ARF, EAS.
Theo quan điểm của nhiều học giả, lịch sử quan hệ quốc tế cho thấy, không thể dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp như ở Biển Đông.
Các bên tranh chấp phải giữ cân bằng giữa bảo vệ quyền lợi của riêng mình và duy trì sự ổn định ở Biển Đông.
Các học giả cảnh báo, thời gian vẫn còn nhưng ngày càng ít cho các bên tranh chấp ở Biển Đông tìm kiếm giải pháp hòa bình để kiểm soát và giải quyết các tranh chấp, đồng thời nhấn mạnh các bên cần kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, duy trì vai trò đoàn kết của ASEAN nhằm duy trì hiệu quả hợp tác khu vực.
Các học giả đã thảo luận về vai trò quan trọng của truyền thông trong việc định hướng dư luận trong mỗi nước.
Các bên liên quan phải có trách nhiệm chọn lọc thông tin khách quan và đầy đủ về vấn đề, để đưa ra những thông điệp quan trọng một cách đúng đắn, không kích động tinh thần dân tộc cực đoan làm phức tạp thêm quá trình giải quyết tranh chấp.