Việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo các tiêu chuẩn quốc tế đang trở thành một yếu tố quan trọng để sản phẩm làm ra dễ dàng thâm nhập vào các thị trường trên thế giới. Hiện Việt Nam là một trong 4 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Việc áp dụng Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) vào quy trình sản xuất thủy sản đang trở thành vấn đề cấp bách, nhất là tại khu vực ĐBSCL, nơi đang cung cấp lượng thủy sản xuất khẩu chủ lực của cả nước.
Tập đoàn Bureau Veritas tại Việt Nam hiện là tổ chức chuyên cung cấp những dịch vụ chứng nhận liên quan đến đánh giá hệ thống, quy trình và sản phẩm của các đơn vị, doanh nghiệp như: quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm: HACCP, ISO 22000, GlobalGap, BRC, IFS; sức khỏe và an toàn: OHSAS 18001, TAPA; trách nhiệm xã hội: SA 8000… Nhằm giúp các doanh nghiệp thủy sản tại ĐBSCL nắm bắt và cập nhật thêm các thông tin mới về việc áp dụng Global GAP, Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas Certification Việt Nam (Tập đoàn Bureau Veritas tại Việt Nam) mới đây đã tổ chức Hội thảo “Global GAP – Hướng phát triển bền vững cho ngành thủy sản” tại TP Cần Thơ. Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas Certification Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới thực hiện các rào cản kỹ thuật để hạn chế các mặt hàng nông sản (có khả năng mang đến rủi ro cho người tiêu dùng) nhập khẩu vào nước họ thì việc áp dụng tiêu chuẩn Global Gap vào nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản rất cấp thiết nếu muốn sản phẩm dễ tiêu thụ. Mặt khác, sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap cũng là hướng phát triển bền vững cho ngành thủy sản Việt Nam.
Hiện nay, Global GAP đang dần trở thành một tiêu chuẩn bắt buộc do hầu hết khách hàng (nhà bán lẻ, các thương nhân, nhà nhập khẩu) đều yêu cầu khi mua- bán hàng hóa. Ngoài ra, Global GAP còn gia tăng hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh, tạo sự tin cậy đối với người tiêu dùng, giá bán có thể tăng hơn 20% so với sản phẩm chưa được chứng nhận. Ông Nguyễn Ngọc Khoa, Tổng giám đốc Phát triển kinh doanh của tập đoàn Bureau Veritas tại Việt Nam, cho rằng: “Gia nhập WTO, nhiều quốc gia trên thế giới không còn sử dụng hàng rào thuế quan để hạn chế hàng nông sản nhập khẩu vào nước họ. Tuy nhiên, xu hướng sử dụng các hàng rào kỹ thuật để hạn chế hàng nhập khẩu ngày một nhiều, nhằm bảo vệ người tiêu dùng nước họ tránh các rủi ro khi sử dụng hàng nông sản. Dù mỗi nước đưa ra các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn khác nhau cho hàng nông sản nhập khẩu, nhưng hiện Global GAP đã trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu, được nhiều nước trên thế giới công nhận. Do vậy, để các sản phẩm thủy sản của Việt Nam làm ra dễ thâm nhập vào các thị trường trên thế giới thì việc sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP đang là một yêu cầu cấp thiết”. Theo Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas Certification Việt Nam, để sản phẩm thủy sản của doanh nghiệp làm ra đạt tiêu chuẩn Global GAP, đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu trong quá trình nuôi và chế biến thủy sản mà còn phải sử dụng con giống, thức ăn… được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP.
Thực tế cho thấy, việc áp dụng Global GAP vào nuôi thủy sản đã được nhiều đơn vị, doanh nghiệp tại ĐBSCL quan tâm. Tuy nhiên, do còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các khâu trong chuỗi sản xuất, nên việc triển khai thực hiện Global GAP còn gặp khó khăn, vướng mắc… Bởi đòi hỏi các doanh nghiệp và người nuôi thủy sản phải sử dụng thức ăn chăn nuôi, con giống đạt các chuẩn yêu cầu của Global GAP. Do đó, người nuôi thủy sản sẽ khó có thể đạt được chứng nhận Global GAP khi sử dụng các loại thức ăn thô, tự chế. Theo nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản, đối với các loại thức ăn công nghiệp hiện có trên thị trường vẫn còn thiếu các loại thức ăn thủy sản chuyên cung cấp cho con giống bố mẹ, vì sức tiêu thụ không cao. Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất con giống cũng chưa được chứng nhận sản xuất con giống đạt theo Global GAP, nếu các doanh nghiệp và người nuôi cá tra thương phẩm muốn nuôi cá theo quy trình Global GAP sẽ khó thực hiện.
Theo thạc sĩ Đỗ Thị Lan Nhi, Giám đốc đào tạo, Chuyên gia ngành thực phẩm – Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas Certification Việt Nam, hiện nay vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được các nước trên thế giới rất quan tâm và người tiêu dùng cũng rất chú ý. Trước đây, nhiều nước trên thế giới chỉ yêu cầu các tổ chức, cá nhân (sản xuất và cung cấp các loại nông sản, thực phẩm…) phải phân tích các mối nguy và tự kiểm soát các mối nguy và rủi ro có thể xảy ra cho người tiêu dùng. Còn áp dụng tiêu chuẩn Global GAP có nhiều yêu cầu, nên đòi hỏi cần phải phối hợp tốt của người sản xuất và doanh nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi khép kín.
KHÁNH TRUNG
Theo Báo Cần Thơ