(TSVN) – Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 4,35 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nửa cuối năm, ngành thủy sản đang dốc sức tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, riêng tháng 6/2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 875 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm 2024 tới nay. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá tra đều tăng nhẹ 3% đạt doanh số lần lượt 975 triệu USD và 465 triệu USD; xuất khẩu cá ngừ tăng khả quan hơn với mức 10% đạt 222 triệu USD; xuất khẩu mực, bạch tuộc và các loài khác tăng nhẹ 4 – 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường, trong 6 tháng này, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, tiếp đó là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Về cơ cấu xuất khẩu, 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu tôm chiếm vị trí lớn nhất với 36%, cá da trơn 20%, cá ngừ 10%, mực và bạch tuộc 7%, cá hồi 2%, cua – ghẹ 3%, thủy sản khác 22%.
5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm chiếm 36% tổng giá trị xuất khẩu ngành thủy sản. Ảnh: ST
Ngành thủy sản kỳ vọng sau quý II, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vào quý III, là thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm. Tuy nhiên, theo VASEP, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản nước ta thời gian tới, đặc biệt, quý III và quý IV là thời gian cao điểm của xuất khẩu thủy sản khi nhu cầu ở các thị trường nhập khẩu tăng để phục vụ mùa lễ hội cuối năm. Cùng đó, sự phục hồi chậm và dè dặt của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu và nguồn cung cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt… đang và sẽ tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản cho tới hết 2024.
Đồng thời, Ecuador, Ấn Độ và Indonesia bị áp thuế cao khi xuất khẩu tôm vào Mỹ, nhiều khả năng trong những tháng tiếp theo các quốc gia này sẽ tập trung khai thác nhiều vào thị trường Trung Quốc, khiến xuất khẩu tôm của Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt hơn.
Để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nửa cuối năm, VASEP kiến nghị sửa đổi lại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Cùng đó, Bộ Tài chính xem xét sớm đưa vào văn bản quy phạm pháp luật việc xác định rõ hoạt động chế biến thủy sản là “hoạt động chế biến” để thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bộ NNPTNT xem xét thay đổi quy định về cách tiếp cận trong việc xác nhận giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) tại cảng cá trong quy trình xác nhận truy xuất nguồn gốc IUU hiện nay. Đó là cấp giấy S/C ngay cho chủ hàng khi đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng… tại cảng cá. Đây là mấu chốt giải quyết nhiều bất cập, nút thắt hiện nay trong quá trình truy xuất nguồn gốc, kiểm soát IUU. Thêm nữa, Bộ NNPTNT xem xét bổ sung quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu…
Bảo Hân