Gỡ “nút thắt” con giống trong nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong nuôi trồng thủy sản, con giống đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến 50% thành công mỗi vụ nuôi. Sản xuất giống thủy sản của nước ta ngày một phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu thả nuôi của người dân, tuy nhiên lĩnh vực này vẫn còn những khó khăn nhất định.

Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Công Khôi – Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản (Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) xung quanh vấn đề này.

Ông Trần Công Khôi – Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản (Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT)

Phóng viên: Thưa ông, ông có thể chia sẻ đôi nét về thực trạng sản xuất giống thủy sản của nước ta hiện nay?

Ông Trần Công Khôi: Hơn 20 năm qua, ngành thủy sản Việt Nam đã có một bước tiến dài trong nuôi trồng thủy sản. Sản xuất con giống đáp ứng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng mỗi vụ nuôi, nhất là với các đối tượng chủ lực đã đóng góp rất quan trọng trong thành công đó. Lĩnh vực sản xuất và chọn tạo giống thủy sản bước đầu thành công, cải thiện đáng kể chất lượng và giá trị, giữ vai trò trọng yếu trong việc tăng năng suất và hiệu quả nuôi trồng thủy sản.

Cả nước hiện có 7.127 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản đang hoạt động, trong đó có 17 cơ sở sản xuất, ương dưỡng thủy sản bố mẹ; 1.690 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra; 1.943 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ; 835 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống nhuyễn thể; 368 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống phục vụ nuôi biển; 2.026 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản nước ngọt; 21 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá nước lạnh, 32 cơ sở ương dưỡng tôm hùm, 195 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống rô phi/diêu hồng)… Tổng sản lượng giống sản xuất đạt khoảng 322 tỷ con, cung ứng đủ cho nhu cầu nuôi trong nước và một phần xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu thì sản xuất tôm giống vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức. Đáng chú ý là tại một số địa phương, tỷ lệ cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản còn thấp. Nguyên nhân là: Nhiều cơ sở sản xuất giống quy mô nhỏ, không đăng ký giấy phép hoạt động kinh doanh. Một số cơ sở vật chất không đáp ứng như hệ thống xử lý nước cấp, nước thải; khu chứa trang thiết bị, nguyên vật liệu chưa tách biệt; chưa xây dựng và áp dụng hệ thống soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học. Thậm chí cơ sở không có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học. Không được cấp giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện và chất lượng con giống…

Ngoài ra, việc chủ động nguồn tôm bố mẹ từ nghiên cứu, chọn tạo trong nước còn rất hạn chế. Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nhập khẩu (87% đối với tôm thẻ chân trắng) và khai thác từ tự nhiên (40% đối với tôm sú). Giống bố mẹ trong nước chỉ cung cấp được một phần dẫn đến sản xuất tôm giống bị lệ thuộc.

Cùng với đó, nhiều năm nay, các đề tài, dự án về lĩnh vực sản xuất giống thủy sản khá nhiều. Thế nhưng, quy mô và phạm vi các chương trình chọn tạo vẫn gắn liền với nhiệm vụ khoa học công nghệ, số lượng các doanh nghiệp tham gia chưa nhiều; chưa kể doanh nghiệp và người nuôi không đồng hành với nhà chọn tạo giống…

Phóng viên: Theo ông, những vấn đề tồn tại trong sản xuất giống đã và đang ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam?

Ông Trần Công Khôi: Như đã nói ở trên, hiện cả nước có 7.127 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, trong đó bao gồm cả chọn tạo tôm giống bố mẹ và sản xuất, ương dưỡng con giống cho các đối tượng nuôi chủ lực như tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể, sản xuất giống cá biển, giống thủy sản nước ngọt.

Có thể nói, sự chủ động về số lượng và chất lượng giống đã đưa năng suất nuôi trồng thủy sản của nước ta tăng lên rất nhanh. Cùng đó, con giống sạch bệnh góp phần không nhỏ quyết định tỷ lệ thành công vụ nuôi của bà con. Tuy nhiên, việc sản xuất nguồn giống vẫn chưa xứng với tiềm năng hiện có, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của nghề nuôi trồng thủy sản.

Đơn cử là với con tôm, do vùng sản xuất tôm giống trọng điểm chưa gắn liền với vùng nuôi trọng điểm khiến cho thị trường con giống đôi khi khó kiểm soát, đặc biệt là cao điểm mùa vụ vì lượng tôm giống lậu xâm nhập. Ngoài ra, dịch bệnh trên tôm giống cũng được dự báo diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho sản xuất như bệnh vi bào tử trùng, bệnh mờ đục tôm…

Còn đối với nuôi biển, hiện phong trào phát triển mạnh nhưng lượng con giống sản xuất không đủ đáp ứng, vẫn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên và nhập khẩu nên cũng khó kiểm soát về chất lượng, năng suất nuôi cũng vì thế mà không đạt như kỳ vọng…

Thêm nữa, chất lượng di truyền của các giống thủy sản bản địa truyền thống không được cải thiện. Qua nhiều năm sử dụng, đàn giống bố mẹ bị thoái hóa, dẫn đến năng suất và chất lượng nuôi chưa đáp ứng yêu cầu.

Phóng viên: Trong cơ cấu sản xuất giống thủy sản trong nước hiện nay, những chủ lực nào được chú trọng và tình hình phát triển hiện nay ra sao, thưa ông?

Ông Trần Công Khôi: Như chúng ta đã biết, con tôm từ nhiều năm nay vẫn là chủ lực của ngành thủy sản, cả về sản xuất lẫn xuất khẩu. Để đáp ứng cho diện tích nuôi tôm hơn 700.000 ha hàng năm, nhu cầu tôm giống khoảng 150 – 155 tỷ con. Số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất tôm giống khoảng 260.000 con (200.000 tôm thẻ chân trắng và 60.000 tôm sú).

Hiện tại, tôm bố mẹ cung cấp cho các cơ sản xuất tôm giống từ nguồn nhập khẩu, khai thác tự nhiên và chọn tạo trong nước. Các chương trình, kế hoạch phát triển ngành tôm vẫn được ưu tiên, trong đó lĩnh vực con giống luôn được chú trọng, đặc biệt là gia hóa tôm bố mẹ. Hiện, có nhiều doanh nghiệp trong nước đã thành công ở khâu này, giúp giảm phần nào lượng tôm bố mẹ nhập khẩu hàng năm. Từ đó, giúp ngành tôm thêm chủ động hơn trong cả chuỗi sản xuất, đặc biệt là giúp giảm giá thành nuôi.

Còn về cá tra, mỗi năm nhu cầu thả nuôi đối tượng này khoảng 1,5 – 2 tỷ cá tra giống (20 – 50 g/con). Tuy nhiên, theo đánh giá chung, hiện nay tỷ lệ cá hao hụt đến khi trưởng thành vẫn rất lớn, lên tới gần 40%; tỷ lệ cá nhiễm các bệnh gan, thận mủ hay phù đầu xuất huyết gần 20%; quy trình ương nuôi cá tra từ bột lên con giống trong môi trường không có kiểm soát bệnh; chưa có quy trình đồng bộ để nuôi giống cá tra sạch bệnh… đã khiến cho tình hình sản xuất cá tra giống không thực sự ổn định, nhất là với các hộ nuôi nhỏ. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho lợi nhuận nuôi cá tra không cao bởi giá thành sản xuất lớn.

Cá tra là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của ngành thủy sản Việt Nam, là đối tượng nuôi rất hiệu quả tại vùng ĐBSCL. Chính vì vậy, đã có nhiều chương trình ưu tiên cho ngành hàng cá tra, trong đó việc liên kết sản xuất con giống cá tra rất được chú trọng, nhà nước và các địa phương cũng tạo điều kiện tối ưu cho các doanh nghiệp có dự án lĩnh vực này.

Phóng viên: Trước những khó khăn, thách thức trong sản xuất giống thủy sản nội địa, ngành đã có những chủ trương gì để tháo gỡ những “nút thắt” đó, thưa ông?

Ông Trần Công Khôi: Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực sản xuất con giống, Cục Thủy sản đã ban hành nhiều công văn về việc chuẩn bị con giống, vật tư đầu vào, điều kiện kỹ thuật để đảm bảo sản xuất nuôi trồng thủy sản; công văn về tăng cường quản lý giống thủy sản, trong đó có giống tôm nước lợ; văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ. Cục Thủy sản cũng nhanh chóng hướng dẫn các địa phương áp dụng biện pháp hạn chế tác hại của hội chứng mờ đục thân (TPD). Đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để quản lý, chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, chất lượng sản xuất con giống, kiểm soát tốt chất lượng con giống, thức ăn trong nuôi trồng thủy sản, trong đó đáng chú ý là việc ký quy chế phối hợp giữa các địa phương đang rất hữu hiệu.

Bên cạnh đó, ngành cũng hướng dẫn các địa phương thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ, phân tán, manh mún, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng hình thành các trung tâm ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống thủy sản; tổ chức tốt việc quy hoạch, hình thành các vùng hạ tầng sản xuất giống tập trung.

Phóng viên: Và trong các giải pháp ông vừa nêu, đâu là trọng tâm để giải bài toán con giống trong nuôi trồng thủy sản của nước ta hiện nay, thưa ông?

Ông Trần Công Khôi: Con giống là yếu tố quan trọng nhất trong phát triển bền vững ngành thủy sản. Nước ta có tiềm năng rất lớn để làm tốt lĩnh vực này. Trong thời gian tới, ngành thủy sản tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát chất lượng con giống, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong sản phẩm sản xuất và đảm bảo các chất tiêu chuẩn chất lượng. Thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên, nhất là với doanh nghiệp để phát triển các công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất và tăng cường hiệu suất, giảm chi phí hiệu quả trong sản xuất con giống. Đồng thời, ngành sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ, kiểm tra chất lượng và áp dụng các phương pháp quản lý hệ thống.

Quan trọng nhất, rất cần các tổ chức, cá nhân tự giác tuân thủ và áp dụng các quy định trong việc sản xuất con giống chất lượng cao để đảm bảo ngành thủy sản phát triển hiệu quả và bền vững hơn nữa.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hồng

(Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!