Gỡ thách thức trong bảo vệ môi trường biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Được bồi đắp bởi trầm tích và chất dinh dưỡng từ sông Cửu Long, vùng ĐBSCL trở thành môi trường thuận lợi phát triển nguồn lợi thủy sản phong phú nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực ven biển nơi đây đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng. Việc bảo tồn môi trường sống khu vực này đang được thực hiện, tuy nhiên, vướng mắc trong quá trình triển khai không ít.

Vùng đất quan trọng của nông nghiệp…

ĐBSCL – trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn của cả nước có sự đóng góp trong việc duy trì sự tăng trưởng là vô cùng lớn.

Tại cuộc họp Quốc hội mới đây, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nhấn mạnh: Đây là khu vực có vị trí kinh tế chiến lược quan trọng, hội đủ các yếu tố về kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước. Cụ thể, với kinh tế nông nghiệp, vùng ĐBSCL hàng năm sản xuất trên 50% sản lượng lúa, 60% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, xuất khẩu hơn 90% sản lượng gạo của cả nước. 

Đây là trung tâm sản xuất lương thực quan trọng, giữ vai trò đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, đến nay sản xuất nông nghiệp của vùng chưa ổn định, trong khi biến đổi khí hậu, thiên tai đang ngày càng diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, phát biểu tại Hội thảo

Còn tại cuộc họp trực tuyến khởi động dự án “Bảo tồn môi trường sống ven biển ĐBSCL” được tổ chức ngày 21/10 vừa qua, ông Jake Brunner, Trưởng nhóm IUCN Khu vực Indo – Burma, nhận định ĐBSCL và các cụm đảo xung quanh là nơi sinh trưởng của 70% rừng ngập mặn và 90% diện tích thảm cỏ biển tại Việt Nam. Được bồi đắp bởi trầm tích và chất dinh dưỡng từ sông Cửu Long, khu vực này trở thành môi trường thuận lợi phát triển nguồn lợi thủy sản phong phú nhất tại Việt Nam. 

… nhưng đang thiếu bền vững

Theo đánh giá của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), khu vực ven biển ĐBSCL đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng. Các khu rừng ngập mặn là sinh cảnh và nơi sinh sản cho các loài như cá chẽm, cá hồng và nhiều loài thủy sản có ý nghĩa thương mại quan trọng khác đang bị giảm đi do vùng bờ bị “thu hẹp”. Rừng ngập mặn bị “mắc kẹt” giữa mực nước biển dâng cao ở một bên và đê biển ở bên còn lại, dẫn đến sự thu hẹp diện tích có thể lên đến 50 m/năm.

Toàn cảnh Hội thảo khởi động dự án Bảo tồn môi trường sống ven biển ĐBSCL

Các tác động khác của biến đổi khí hậu như hạn hán kéo dài và nhiệt độ trung bình môi trường tăng cao, đang trở nên nghiêm trọng hơn do diện tích rừng ngập mặn và cơ chế điều hòa vi khí hậu của rừng đang bị mất đi, đe dọa hoạt động nuôi tôm thâm canh, buộc người dân phải bơm và sử dụng nguồn nước ngầm thay thế, dẫn đến hậu quả sụt lún đất và làm hiện trạng rừng ngập mặn bị thu hẹp diễn ra nhanh hơn nữa.

Từ đây, các hệ sinh thái ngư nghiệp quan trọng bị đe dọa nhiều hơn do áp lực môi trường như hạn hán kéo dài, nhiệt độ tăng và nhu cầu khai thác nước ngầm cho nuôi trồng thủy sản và đánh bắt gần bờ đã làm cạn kiệt trữ lượng cá, gây ra các thiệt hại về sinh thái.

Trên cơ sở đó, dự án “Bảo tồn Môi trường sống ven biển ĐBSCL” (MDC) thông qua cơ chế hợp tác với doanh nghiệp, chính quyền địa phương, ban quản lý Khu bảo tồn biển thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc và cộng đồng ngư dân, được khởi động sẽ hướng tới mục tiêu giảm thiểu các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học ven biển và ngành thủy sản, đồng thời tăng cường sức chống chịu vùng ven biển ĐBSCL.

Chia sẻ tại Hội thảo khởi động dự án “Bảo tồn Môi trường sống ven biển ĐBSCL” diễn ra tại Hà Nội ngày 21/10 mới đây, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết những người yêu thiên nhiên ở nước ta sẽ rất vui mừng với dự án này. Với những hoạt động sinh kế xã hội ở các địa phương, việc bảo vệ nguồn lợi cho phát triển lâu dài là thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt.

Nâng cao “sức khỏe” vùng ven biển

Theo ông Trần Đình Luân, năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu là phát triển sinh kế quốc gia ven biển một cách bền vững. Nghị quyết định hướng dành 6% diện tích biển để làm khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Vậy nên, dự án này hoàn thành phù hợp và dự kiến kết quả của dự án sẽ góp phần giải quyết các mối đe dọa hệ thống ở ĐBSCL, hỗ trợ các biện pháp đang được Chính phủ Việt Nam thực hiện, chẳng hạn như Luật Thủy sản sửa đổi, Nghị quyết 36 năm 2018, Nghị quyết 120 và Luật Quy hoạch năm 2019.

Dự án hướng tới mục tiêu phát triển bền vững các vùng ven biển

Theo bà Bùi Thị Thu Hiền, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế – IUCN, dự án sẽ chia thành 3 hợp phần, bao gồm: Tăng cường công tác quản lý Khu Bảo tồn biển Phú Quốc nhằm bảo tồn sinh cảnh và các loài sinh vật hiệu quả hơn; Thiết lập mạng lưới Khu vực biển do địa phương quản lý nhằm bảo tồn các thảm cỏ biển, hỗ trợ bảo vệ nguồn lợi thủy sản đa loài tại ba cụm đảo nhỏ; Tìm kiếm các giải pháp bảo tồn và mở rộng rừng ngập mặn để gia tăng môi trường sinh sản cho thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học vùng ven biển.

Về địa lý, dự án sẽ tập trung triển khai tại các vùng bờ biển thấp nhất và dễ bị tổn thương nhất của đồng bằng dọc theo Biển Đông, Biển Tây, Khu bảo tồn biển Phú Quốc, cũng như tại ba cụm đảo nhỏ ở vùng biển Tây (Hải Tặc, Ba Lụa, Nam Du).

Ông Trần Đình Luân cho biết thêm: Một trong những thách thức hiện nay là vấn đề bảo vệ môi trường biển mà không ảnh hưởng tới sinh kế của người dân địa phương. Dự án là một trong những bước đi cụ thể để nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển bền vững đối với các vùng ven biển. Tuy nhiên, theo ông Luân, dự án phải đánh giá được việc tham gia của các bên trong bảo tồn biển tại Phú Quốc, quyền lợi của doanh nghiệp, các tổ chức phải làm cho rõ. Nếu không, người ta sẽ chỉ nghĩ đến lợi ích nhiều hơn trách nhiệm.

Đại diện cho địa phương, ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, cho rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động lớn tới Kiên Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung, việc triển khai dự án có ý nghĩa hết sức to lớn. Dự án hướng đến sự tham gia bảo vệ môi trường sống của nhiều thành phần như cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, nhà khoa học, nhà quản lý… Là một trong những địa phương triển khai dự án, Kiên Giang sẽ thực hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức, hướng dẫn cộng đồng dân cư tham gia hiệu quả về bảo vệ môi trường sống ven biển.

>> Dự án Bảo tồn môi trường sống ven biển ĐBSCL được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Tổng cục Thủy sản khởi động chiều 21/10/2021. Đây là dự án được công bố trong chuyến thăm của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Kamala Harris tới Việt Nam vào tháng 8/2021. Dự án có tổng kinh phí là 2,9 triệu USD được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!