(TSVN) – Trong năm 2021, một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã thắng lớn khi thị trường chủ lực của họ là Mỹ, các doanh nghiệp còn lại vẫn bấp bênh.
Đến nay, vaccine COVID-19 đã được phủ rộng và nhanh chóng thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng thủy, hải sản cũng như hoạt động ăn tối tại nhà hàng của đại đa số người dân trên thế giới.
Trong khi lượng thủy, hải sản nhập khẩu vào Mỹ để phục vụ kênh bán lẻ tăng vọt do người tiêu dùng đã quen chế biến món ăn tại nhà, thì sự mở cửa trở lại của lĩnh vực dịch vụ ẩm thực đã mang lại mức tăng ròng cho ngành này. Agel Rubio, một chuyên gia tại Urner Barry đã dự báo, lượng tiêu thụ tôm tại Mỹ sẽ sớm chạm đỉnh. Tính đến tháng 7/2021, khối lượng nhập khẩu tôm của Anh và EU đã phục hồi mạnh mẽ vượt cả mức trước đại dịch. Nguồn cung tôm toàn cầu trong năm 2021 ước tăng 8,4% hoặc có thể tăng tới 10% do năm 2021 vẫn chưa kết thúc và dẫn đầu vẫn là Ecuador, theo GOAL 2021.
Hậu phong tỏa, tôm và cá hồi thắng lớn. Ấn Độ và Ecuador vẫn đang dẫn đầu về nguồn cung. Ấn Độ tăng thị phần tại Mỹ, còn Ecuador đã nhanh chóng chuyển hướng tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng và chuyển đích đến từ Trung Quốc sang Mỹ và EU. Tích hợp trong ngành tôm Ecuador là câu trả lời cho thành công của quốc gia này.
Tất cả bên hữu quan đều bị ảnh hưởng từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng và nút thắt lớn nhất vẫn nằm ở khâu vận chuyển hàng hóa bằng container. Khi các nhà sản xuất tôm tại châu Á phải mất 6 tuần để đến Mỹ thì Mỹ Latinh chỉ mất 2 tuần. Đó là lý do tôm châu Á vẫn kém cạnh tranh hơn tại Mỹ.
Một rủi ro mới xuất hiện trong chuỗi cung ứng, được châm ngòi bởi Trung Quốc. Trong khi FDA, EC và các quốc gia khác luôn tập trung vào chất lượng thủy sản nhập khẩu, thì Trung Quốc lại siết chặt thêm điều khoản kiểm dịch virus corona trên bao bì sản phẩm, dẫn đến tình trạng trì hoãn hoặc tắc nghẽn hàng hóa tại cảng.
Giá khô đậu, lúa mỳ và ngô leo thang kể từ quý III/2020 cho đến năm 2021. Giá đậu tương đã tăng 57% từ tháng 9/2020 đến tháng 5/2021. Giá thức ăn tăng cao càng khiến doanh nghiệp thêm khốn đốn. Trong báo cáo thức ăn chăn nuôi tháng 5 của USDA, giá thức ăn cho cá tra đã tăng 16% tại Việt Nam và gần đây giá thức ăn cho tôm tại Ấn Độ cũng tăng 8 – 12%. Chi phí sản xuất các loài thủy sản đều tăng. Xuyên suốt chuỗi cung ứng, nhu cầu năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào cho trang trại cũng đang nhích lên từng ngày.
Dù vậy, ngành thủy sản vẫn đang học cách sống chung với dịch bệnh. Trao đổi thông tin cởi mở qua các hội thảo trực tuyến trở thành cầu nối giữa nhiều quốc gia hơn dù nhiều bên hữu quan vẫn dè dặt ứng dụng số hóa. Trong năm 2021, chúng ta đã thấy một vài IPOs như Barramundi Group đã niêm yết trên sàn chứng khoán Oslo, hay Thai Union Feedmill cũng lên sàn giao dịch của Thái Lan. Hội nghị TARS 2021 cho chúng ta thấy công nghệ sẽ là chìa khóa để ngành thủy sản phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh.
Ngành thủy sản năm 2021 đã trải qua những giai đoạn tốt đó là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn thắng lớn ngay trong đại dịch; giai đoạn xấu khi thức ăn leo thang và tồi tệ khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhưng chúng ta vẫn tin vào sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm sau.