(TSVN) – Tháng 8 này, Cơ quan Kiểm tra và An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ trực tiếp thanh tra sản phẩm cá tra, trong bộ Siluriformes, xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Việc này nhằm thực hiện Luật Nông trại (Farm Bill) 2014 của Mỹ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2016 và thanh tra ở nước ta nhằm đảm bảo “tính tương đương”.
Những năm qua, sản phẩm cá tra Việt Nam đã đáp ứng khá tốt yêu cầu của thị trường Mỹ. Năm 2018, FSIS thanh tra vùng nuôi từ ngày 15 – 21/5/2018 và ngày 1/11/2019 đã công nhận tương đương. Năm 2020 và 2021 thanh tra online để duy trì, đều được công nhận với hai quyết định vào tháng 3/2020 và tháng 4/2021. Yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) của thị trường Mỹ đặt ra tiêu chuẩn cho cả chuỗi sản phẩm, từ giống đến nuôi thương phẩm, thu hoạch, cả vận chuyển và sơ chế, chế biến.
Thanh tra lần này, FSIS đi đến những vùng nuôi của 4 doanh nghiệp đang chế biến xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ là Biển Đông, Caseamex, Thanh Bình Đồng Tháp và Vĩnh Hoàn. Việc thanh tra trong bối cảnh xuất khẩu cá tra Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, giá trị xuất khẩu giảm mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 873 triệu USD, giảm 39% so cùng kỳ. Thị trường Mỹ lớn thứ hai giảm đến 60,5% và đây là thị trường có ý nghĩa toàn cầu, khi chất lượng được thị trường này công nhận sẽ tạo điều kiện cho việc duy trì và phục hồi, tăng trưởng các thị trường khác. Cho nên mục tiêu đặt ra ở đợt thành tra này là sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục được Mỹ đánh giá tương đương để duy trì xuất khẩu.
Số liệu của Cục Thủy sản, ở ĐBSCL có 142 vùng nuôi cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất đi Mỹ, chiếm khoảng 8% tổng số vùng nuôi cá tra. Vừa rồi, Cục Thủy sản tổ chức kiểm tra 17 vùng nuôi, còn lại do các Sở NN&PTNT địa phương kiểm tra. Qua kiểm tra, rà soát thấy rằng, tất cả đã có mã số nhận diện ao nuôi.
Đánh giá chung, đa phần các vùng nuôi của doanh nghiệp có đủ điều kiện ATTP, còn một số vùng nuôi nhỏ lẻ cung cấp nguyên liệu vẫn mắc lỗi ẩn chứa nguy cơ mất ATTP. Những lỗi tồn tại hầu hết do thói quen sản xuất theo tập quán cũ, nhà kho chứa thức ăn, hóa chất, rác thải được tận dụng nên không đúng quy định. Thậm chí, một số vùng nuôi cá còn để chó, gà đi vào gây mất vệ sinh. Trong lúc yêu cầu rất chặt chẽ và chi tiết như nếu có cá chết cũng phải phân loại nguyên nhân chết để có các biện pháp xử lý phù hợp. Vùng nuôi có bảng chỉ dẫn để đảm bảo an toàn lao động. Bờ ao không vương vãi vật liệu có thể gây ô nhiễm môi trường, gây độc hại. Thu gom chất thải phải có dụng cụ với biện pháp thu gom đúng cách.
Cục Thủy sản cho rằng, đợt thanh tra này của FSIS cũng là cơ hội cho các vùng nuôi cá tra rà soát thực trạng, nhìn rõ những yếu kém để khắc phục. Khẩn trương tháo gỡ nhằm đảm bảo tiêu chuẩn ATTP cho các vùng nuôi cá tra đi thị trường Mỹ, từ đó mở rộng ra cả ĐBSCL, đưa ngành nuôi cá tra Việt Nam lên chất lượng mới. Lãnh đạo Cục Thủy sản cho hay, sắp tới, các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc cũng sẽ kiểm tra, yêu cầu cá tra Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn ATTP theo quy định.
Sáu Nghệ