(TSVN) – Nuôi trồng thủy sản (NTTS) có trách nhiệm là vấn đề đã được đặt ra để giải quyết trên toàn cầu. Trong đó, mục tiêu giảm phát thải carbon để chống biến đổi khí hậu được nhắc đến tại nhiều hội nghị của Liên hợp quốc, như hội nghị năm 2015 (COP21) và năm 2021 (COP26).
Một số nghiên cứu về chuỗi giá trị cá tra gần đây đã đặt ra việc tính toán lượng phát thải trong toàn chuỗi, đòi hỏi quá trình sản xuất ứng dụng kinh tế tuần hoàn. Chính phủ cũng đã có nhiều quyết định thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, như Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050”; Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”. Điều này giúp cải thiện tình trạng môi trường, tiết kiệm chi phí, giảm rủi ro.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, nếu phát triển như hiện nay chỉ chú trọng diện tích và năng suất để thu lợi nhuận mà bỏ quên vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ là cản trở lớn nhất cho việc phát triển nghề nuôi và xuất khẩu trong thời gian tới. Vì vậy, để ngành cá tra phát triển bền vững cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, phải nghiên cứu đưa ra các giải pháp hợp lý, có tính thực tiễn cao để xử lý các chất thải phát sinh trong quá trình nuôi và chế biến cá tra.
Nghiên cứu của TS Huỳnh Văn Hiền ở Trường Thủy sản (ĐH Cần Thơ) cho biết, kinh tế tuần hoàn trong ngành cá tra mới ở bước đầu với quy trình khép kín, chi phí còn cao. Nên phải nhanh chóng chuyển đổi, mở rộng liên kết, hướng tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Cũng chính là hướng tới nền kinh tế xanh toàn cầu và sản phẩm thân thiện với môi trường từ khâu sản xuất tới tiêu thụ cuối cùng.
Thực trạng hiện nay, thách thức lớn nhất đối với ngành cá tra phát triển xanh là vấn đề môi trường, từ nuôi trồng đến chế biến. Để vượt qua thách thức cần nhiều giải pháp, trong đó hàng đầu là giải pháp quản lý và giải pháp kỹ thuật.
Theo các chuyên gia, về quản lý, cần xây dựng quy hoạch chi tiết dựa trên những cơ sở về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng. Các khu vực nuôi phải quy hoạch đồng bộ với hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt. Quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm soát chất lượng cá bố mẹ, con giống, thức ăn, kiểm soát dịch bệnh để giảm chất thải tác động môi trường; đồng thời xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng môi trường.
Về giải pháp kỹ thuật, tiến tới hình thành những vùng sản xuất cá tra tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nuôi cá tra công nghệ cao, không xả thải. Trong chế biến, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm điện, giảm phát thải; đầu tư công nghệ chế biến phụ phẩm để nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm; cải thiện hiệu quả kỹ thuật trong sản xuất.
Tựu trung, để phát triển, ngành cá tra phải nằm trong lộ trình của Chính phủ: Sản xuất xanh – Kinh tế xanh – Tăng trưởng xanh – Quốc gia xanh – Thế giới xanh. Ngành cá tra phát triển xanh cũng sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Sáu Nghệ