(TSVN) – Trong hơn 20 năm ngành tôm Việt Nam phát triển nhanh đạt được nhiều thành quả đáng nể. Diện tích nuôi tôm Việt Nam đã đạt đến 740.000 ha, năm 2021 sản lượng đạt: 931.000 tấn, xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD, năng suất trung bình 1,26 tấn/ha.
Như vậy muốn đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm theo chiến lược Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, hoặc phải tăng sản lượng lên tương đương: 2,3 triệu tấn hoặc thực hiện 4 cách sau: Tăng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao; Tăng năng suất; tăng chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng; Tăng tỷ lệ tôm sú từ 22% lên 50%. Nhưng do chúng ta không còn nhiều đất để tăng diện tích nuôi tôm, nên cần chuyển đổi một số mô hình nuôi tôm khác thành mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao có năng suất gấp 30 lần năng suất trung bình. Tăng năng suất các mô hình nuôi theo hướng tiếp cận tôm kháng bệnh thích nghi + kháng bệnh + vừa sức tải của môi trường như cách làm của ngành tôm Ecuador. Công nghệ chế biến tôm của Việt Nam đứng đầu thế giới với nhiều mặt hàng giá trị gia tăng, hàng cao cấp và hàng ăn liền. Thế nhưng lợi thế này sẽ dần dần không còn trong 3 đến 5 năm nữa khi có sự cạnh tranh từ Ecuador và Ấn Độ. Thực tế cho thấy, tôm sú có giá bán cao hơn TTCT từ 30 – 50%; là tôm bản địa nhưng lại không được gia hóa chọn lọc nên tôm dần thoái hóa. Vậy cần gia hóa chọn giống tôm sú để tăng tỷ lệ tôm sú từ 22% hiện nay lên 50%.
Theo đó, các giải pháp cần tập trung thực hiện vào các yếu tố là con giống và quy hoạch lại sản xuất tôm. Cụ thể, cần gia hóa và cải tạo giống tôm sú theo hướng kháng bệnh thích nghi để thả vào vùng tôm – lúa, tôm – rừng, tôm quảng canh vừa sức tải môi trường. Tôm siêu thâm canh vẫn đi theo hướng sạch bệnh; cần đầu tư quy hoạch lại các trung tâm sản xuất giống quốc gia. Đề xuất quy hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm bố mẹ, trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước. Đầu tư nâng cấp hạ tầng cấp thoát nước riêng biệt, đặc biệt cấp nguồn nước biển sạch xa bờ cho các vùng sản xuất tôm giống ở những tỉnh đã có cơ sở sản xuất giống như Bình Thuận, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, đáp ứng tiêu chuẩn cao của ngành tôm. Đào tạo tập huấn công nghệ nuôi tôm giống cho các chủ trại.
Về quy hoạch lại ngành tôm, cần quy hoạch vùng nuôi tôm – rừng ngập mặn kết hợp với phát triển NTTS dưới tán rừng ngập mặn (nuôi tôm, cua, cá, nhuyễn thể), gắn bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm thủy sản có chất lượng cao, tạo việc làm và nâng cao thu nhập người dân; Quy hoạch một số vùng có lợi thế về nguồn nước, cấp thoát tốt, độ mặn cao thành các vùng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh công nghệ cao, áp dụng công nghệ IoT và AI để tăng năng suất và hiệu quả; Quy hoạch những vùng nuôi tôm quảng canh/quảng canh cải tiến (với hình thức nuôi an toàn sinh học, nuôi hữu cơ) để tạo ra vành đai an toàn sinh học bảo vệ tôm không bị nhiễm bệnh, đạt lỷ lệ sống cao và lợi nhuận tốt; Quy hoạch vùng tôm – lúa lớn nhằm tạo ra vành đai an toàn sinh học để mầm bệnh tôm không xâm nhập được vào ao tôm; chuyển một số vùng chuyên canh lúa sát biển, thành vùng nuôi tôm – lúa. Quy hoạch những khu chế biến tôm và công nghiệp phụ trợ tập trung, gắn với khu đô thị thủy sản nằm ở trung tâm và gần vùng nguyên liệu. Ưu tiên quy hoạch và đầu tư các công trình cấp nước biển mặn, thoát nước, hệ thống điện 3 pha, giao thông cho các vùng nuôi siêu thâm canh quy mô lớn.
Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú