Tôi đang làm việc tại Viện Nuôi trồng Thủy sản của Đại học Stirling (Scotland). Những mối quan tâm trong nghiên cứu của tôi tập trung đến những nơi nuôi trồng thủy sản có điều kiện phát triển mạnh hơn.
Công việc đầu tiên của tôi tại châu Á bắt đầu vào năm 1980 với vai trò là một chuyên gia khuyến ngư cho Chính phủ Thái Lan. Tiếp đó, tôi dành thời gian dài làm việc tại Viện Công nghệ châu Á (1984 – 1997) với tư cách nghiên cứu, giáo dục và làm việc trong mạng lưới nhóm nghiên cứu tại các nước Đông Nam Á.
Theo quan sát của tôi, sự phát triển của ngành hàng cá tra, tôm ở Việt Nam và xuất khẩu các mặt hàng này là hiện tượng chính trong nuôi trồng thủy sản toàn cầu.
Với ngành công nghiệp cá tra Việt Nam, từ quy mô sản xuất nhỏ cách đây gần 20 năm, đến nay, đã thực sự có mặt trên toàn cầu và trở thành một trường hợp đáng nghiên cứu về tốc độ, quy mô sản xuất mà hoạt động nuôi trồng thủy sản có thể chuyển đổi một khu vực.
Việc phát triển nhanh chóng gần đây về sự hợp nhất các nhà sản xuất quy mô nhỏ để hình thành các nhà sản xuất lớn, thường là các nhà sản xuất khép kín theo chiều dọc (các công ty chế biến cá tra phát triển chuỗi sản xuất khép kín) đã làm thay đổi hình thức hoạt động của ngành công nghiệp cá tra nhằm ứng phó với những thách thức để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng nghiêm ngặt và khắt khe do đây là biện pháp nhằm đánh giá khả năng khi tiếp cận các thị trường hiện nay.
Cá tra thì vậy nhưng ngành hàng tôm vẫn duy trì việc không đồng nhất đối với các hệ thống nuôi, biến động từ mô hình nuôi quảng canh đến nuôi thâm canh. Mặc dù, Việt Nam đã gia nhập nhóm các nước đang sản xuất tôm thẻ chân trắng nhưng tôm sú vẫn giữ vị trí quan trọng, nhất là trong các hệ thống nuôi tôm quảng canh. Các hệ thống canh tác này có thể mang lại cho ngành hàng tôm một mức giá trị về khả năng phục hồi và cơ hội khi thị trường tiếp tục phát triển. Sản xuất dạng quảng canh vẫn không bị ảnh hưởng nhiều bởi Hội chứng tôm chết sớm đã quét qua các nước sản xuất tôm tại châu Á. Các thị trường đối với tôm sản xuất quảng canh có thể được mong đợi sẽ gia tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu của châu Âu về nguồn thực phẩm được sản xuất tự nhiên và thân thiện với môi trường .
Theo tôi, ngoài hai mặt hàng chủ lực trên thì Việt Nam còn có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp nuôi và xuất khẩu cá rô phi. Trong tương lai, rô phi thực sự là một loài cá toàn cầu và ĐBSCL là nơi nhiều cơ hội để phát triển loài cá này. Tuy nhiên cũng có một vài thách thức cần phải giải quyết.
Để ngành công nghiệp cá rô phi nói riêng, ngành thủy sản Việt Nam nói chung phát triển bền vững, cần nâng cao chất lượng con giống; tìm cách sản xuất được sản phẩm chất lượng theo hướng thực hành sản xuất tốt nhất nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; duy trì và giữ gìn dòng sông Mê Kông sạch… Làm tốt những điều này, tôi tin ngành thủy sản Việt Nam sẽ còn gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.
Đại học Stirling (Scotland)