(TSVN) – Những năm gần đây, các cải tiến công nghệ NTTS đều theo đuổi mục tiêu bền vững, bao gồm sử dụng nguồn lợi tốt hơn, tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải. Nhưng đôi khi, công nghệ quá hấp dẫn khiến chúng ta quên đi những hệ lụy lâu dài có thể có. Công nghệ tạo bước tiến nhảy vọt lại dẫn đến sự vội vã. GMO (Thực phẩm biến đổi gen) là một ví dụ.
Sinh vật biến đổi gen có nhiều thế mạnh như tăng trưởng nhanh, chống dịch bệnh tốt hơn… Những lợi ích này chưa đủ để chúng ta chuyển hẳn sang sử dụng GMO. Bởi, không thuận với tự nhiên ắt sẽ xuất hiện xu hướng tiêu cực tác động ngược trở lại.
Đi ngược với quy luật tự nhiên, chúng ta đang gây ra nhiều vấn đề mới trong khi khả năng dự báo có hạn. Kháng sinh là một ví dụ. Từng là vũ khí chống lại dịch bệnh, nhưng sử dụng kháng sinh bừa bãi đã làm xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc và hiệu lực của kháng sinh dần biến mất. Rất may, sử dụng kháng sinh trong ngành NTTS đang có xu hướng giảm dần.
Chúng ta nên vẫn tiếp tục phát triển NTTS trên cơ sở khoa học nhưng không lạm dụng và dùng sai công cụ này; đồng thời, phải quan sát quy luật của tự nhiên. Sự phát triển của công nghệ về phần cứng trong NTTS không đáng lo ngại. Những lồng nổi mới, trại nuôi khổng lồ ngoài khơi, hoặc hệ thống tái tuần hoàn trên cạn đều có thể dễ dàng kiểm soát, điều chỉnh hoặc tháo dỡ mà không để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Nhưng phần mềm mới thực sự đáng lo. Đó chính là vận dụng khoa học khi chưa thực sự hiểu biết tường tận về nó. Ví dụ về GMO, liệu chúng ta đã đủ hiểu biết để kiểm soát nó; hậu quả là gì và có thể điều chỉnh hay từ bỏ nếu GMO đó đi sai hướng?
Một trong những bài học từ đại dịch COVID-19 chính là khi một quá trình sinh học nằm ngoài tầm kiểm soát, thì gần như chúng ta cũng không còn khả năng ngăn chặn hoặc đảo ngược tình thế. Đầu mùa hè năm nay, hầu hết tất cả chúng ta đều tin rằng đại dịch sắp đến hồi kết; nhưng tới nay, dịch bệnh đang quay lại rất nhiều nơi trên thế giới. Nguyên nhân là do chúng ta chưa hiểu hết về đại dịch, động cơ của dịch bệnh hoặc cách mà nó phát triển. Chúng ta không hiểu tại sao nhiều biến chủng mới xuất hiện, do ta đã gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát lây nhiễm quá sớm hay do quá vội vàng quay lại cuộc sống bình thường bằng mọi giá?
Đôi khi, có thể tìm đến sự trợ giúp từ tự nhiên hơn là các quy trình khoa học kỹ thuật phức tạp. Sử dụng cá lumpfish chống lại rận biển là một ví dụ. Lumpfish thay thế chất hóa học – những chất gây hại môi trường biển. Nhưng sau đó chúng ta cũng nên đặt câu hỏi: Lumpfish có tác động lên môi trường không. Nếu có, là tác động gì?
Các cải tiến kỹ thuật là một công cụ quyền lực, nhưng phải sử dụng cẩn trọng. Do đó, tôi tán thành hướng tiếp cận từng bước, cải thiện công nghệ ở lượng nhỏ và dựa trên nghiên cứu khoa học cẩn thận thay vì những bước tiến khổng lồ “thần kỳ”.
The Nor-Fishing Foundation