(TSVN) – Dịch COVID-19 đã đẩy ngành thủy vào những khó khăn chưa từng thấy, bởi liên quan thị trường rộng lớn trong và ngoài nước. Trong bối cảnh đó, có điều đáng mừng là nhiều địa phương đã lắng nghe đề xuất của doanh nghiệp, quan tâm tháo gỡ.
Trước tiên cần kể đến việc tiêm vaccine ngừa COVID cho lao động ngành thủy sản, các địa phương đã có sự quan tâm trong điều kiện thiếu thốn. Chẳng hạn, ở tỉnh Hậu Giang có nhiều nhà máy chế biến thủy sản của các doanh nghiệp như: Minh Phú, Việt Hải, Cafatex, Phú Thạnh… với hàng nghìn công nhân. Vừa qua Hậu Giang đã dành lượng vaccine đáng kể cho các doanh nghiệp thủy sản dù còn xa mới đáp ứng nhu cầu.
Cho nên ngày 19/8/2021, VASEP có công văn gửi UBND tỉnh Hậu Giang thẳng thắn cho rằng, lao động thủy sản tại tỉnh Hậu Giang “mới được tiêm COVID-19 với tỷ lệ còn ít và khiêm tốn”. Nên công văn “kính đề nghị UBND Hậu Giang chỉ đạo Sở Y tế tỉnh ưu tiên tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho người lao động của các doanh nghiệp thủy sản”.
Ngày 21/8/2021, Sở Y tế Hậu Giang cho biết, tỉnh mới được Bộ Y tế phân bổ 103.040 liều vaccine và đã tiêm 94.101 liều. Những tháng cuối năm, kế hoạch của Bộ Y tế sẽ phân bổ cho Hậu Giang thêm 900.860 liều vaccine qua nhiều đợt và mỗi khi nhận được sẽ tiếp tục quan tâm lao động thủy sản.
Vấn đề bức xúc khác được các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị thời gian qua là thực hiện “y tế tại chỗ” để chủ động sản xuất kinh doanh. Tỉnh Đồng Tháp đã đáp ứng kiến nghị này vào ngày 18/8/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa ký ban hành Phương án tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh theo mô hình “4 tại chỗ”. Phương án này phát triển từ “3 tại chỗ” khi thêm tiêu chí “y tế tại chỗ”. Đó là doanh nghiệp phải có phương án thực hiện y tế tại đơn vị; thành lập bộ phận y tế trực tại doanh nghiệp để xét nghiệm sàng lọc virrus SARS-CoV-2 với người lao động. Báo cáo kết quả các lần xét nghiệm định kỳ về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế huyện, thành phố nơi doanh nghiệp có nhà máy, xưởng sản xuất.
Doanh nghiệp có năng lực về cán bộ, thiết bị y tế thì báo cáo cơ quan y tế địa phương thẩm định, còn doanh nghiệp không đủ điều kiện có thể liên kết hoặc ký hợp đồng với cơ sở y tế đủ năng lực thực hiện. Khi thực hiện, hằng ngày doanh nghiệp báo cáo nhanh trước 15h30 cho UBND huyện, thành phố nơi doanh nghiệp có nhà máy, xưởng sản xuất để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.
Sự lắng nghe và quan tâm giải quyết kiến nghị từ doanh nghiệp của các địa phương đang tháo gỡ bớt khó khăn. Một số địa phương giải quyết khá đồng bộ đã đưa đến kết quả tốt. Theo VASEP, tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau quan tâm tháo gỡ khó khăn tại các nhà máy chế biến thủy sản, hình thành các “vùng xanh”, cho phép công nhân ở nhà, đưa đón đến nhà máy làm việc nên công suất chế biến đang trên đà phục hồi. Trong đó, Cà Mau năng lực chế biến thủy sản đã tăng lên 80% so khi chưa có dịch bệnh.