Doanh thu xuất khẩu tôm của Việt Nam chỉ dám mơ ước con số 3 tỷ USD năm 2015, giảm phân nửa so với năm trước đó. Theo số liệu mới nhất của VASEP, doanh thu xuất khẩu tôm dường như đã cán mốc 3 tỷ USD cuối năm 2015, giảm 1 tỷ USD so năm 2014, một mức giảm tương đối lớn.
Những hộ nuôi tôm ở ĐBSCL – vựa nuôi tôm của Việt Nam bị thiệt hại lớn nhất do dịch bệnh và giá tôm thị trường quốc tế bị suy giảm. Chỉ tính riêng tỉnh Trà Vinh có 2.450 hộ kinh doanh và sản xuất tôm, thì 41% hộ đang đối mặt khó khăn chồng chất, 11% hộ gần như phá sản và chỉ còn số ít ỏi kinh doanh có lợi nhuận.
Các công ty chế biến, tuy cũng gặp không ít khó khăn, nhưng xem ra khá khẩm hơn người nuôi tôm. Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, nhiều quốc gia đã phải giảm lượng tôm nhập khẩu, trong khi giá xuất khẩu lại lao dốc gần 30%. Tỷ giá tiền tệ bất ổn cũng ảnh hưởng lớn tới tính cạnh tranh của ngành tôm. Thực tế, khi nhiều khoản chi phí đầu vào tăng cao thì sản lượng đầu ra lại hạ thấp khiến nhiều công ty xuất khẩu phải gồng mình cạnh tranh nhau để tồn tại.
Các nhà máy chế biến tôm tại Việt Nam đang nâng cấp dần cơ sở hạ tầng và máy móc sản xuất trong những năm gần đây. Không chỉ máy móc, kỹ năng và tay nghề của công nhân cũng được nâng cao nhằm giúp công ty tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, ngành tôm nuôi tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề nan giải đang dần trở thành những thách thức lớn liên quan tới sự sống còn của chính ngành đó. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra, song không thể phủ nhận lý do khiến ngành tôm Việt Nam khủng hoảng vì tôm thẻ chân trắng Indonesia và Ấn Độ đang phát triển mạnh, gây áp lực lớn với tôm Việt nam. Trong khi, chi phí sản xuất, vận chuyển cũng khiến giá tôm Việt Nam cao hơn các nước láng giềng 1 – 3 USD/kg.
Dịch vụ hậu cần cũng là một trong những vấn đề chính cản trở sự phát triển ngành tôm Việt Nam. Hệ thống cơ sở hạ tầng, đường xá kém phát triển, giao thông không thuận tiện đã đẩy tổng chi phí kinh doanh và chi phí khác lên khoảng 10 – 15 tỷ USD/năm so các quốc gia có cùng mức độ phát triển trong khu vực Đông Nam Á.
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), dù vướng nhiều vấn đề trong sản xuất, nhưng Việt Nam vẫn là nhà cung cấp tôm lớn nhất tại Nhật Bản trong 2 năm liên tiếp. Tuy nhiên, xuất khẩu cũng chỉ đạt 171.753 tấn, trị giá 1,8 tỷ USD, giảm 3,7% lượng và 17,8% giá trị so cùng kỳ 2014. Cạnh tranh gay gắt với tôm Việt Nam tại thị trường Nhật còn có tôm Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc và Argentina. Tuy nhiên, các nhà chế biến tại Nhật Bản phải chịu nhiều chi phí hơn để nhập khẩu tôm vì đồng Yên đang mất giá, giá tôm cao hơn còn người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Điều này cũng tác động không nhỏ tới sự khủng hoảng của ngành tôm Việt Nam.
Biên tập viên SeafoodSource