(TSVN) – Hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên toàn thế giới không ngừng tăng trưởng trong những năm gần đây. Một xu hướng toàn cầu của ngành này đó là phát triển bền vững và có trật tự theo phạm vi quốc gia, kế đến mới là thực hiện mục tiêu rõ ràng trong phạm vi khu vực. Tuy nhiên, mục đích sau cùng của ngành NTTS là đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm (protein động vật) và tạo việc làm cho người dân.
Lượng thực phẩm mà ngành khai thác thủy, hải sản mang lại ngày càng giảm do nguồn lợi tự nhiên cạn kiệt. Do đó, NTTS trở thành giải pháp thay thế. Tuy nhiên, để lĩnh vực này phát triển bền vững, các quốc gia cần triển khai và mở rộng các chương trình công nghệ sinh học cho từng giai đoạn khác nhau. Trước khi tích hợp công nghệ sinh học vào sản xuất thủy sản, các quốc gia cần thực hiện thí điểm và đánh giá hiệu quả, rồi mới áp dụng rộng rãi vào sản xuất thương mại. Mở rộng quy mô áp dụng công nghệ sinh học vào ngành NTTS đã giúp nhiều quốc gia thay đổi chỉ số kinh tế xã hội theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, “một bàn tay không làm nên tiếng vỗ”, do đó, để ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học vào sản xuất, toàn ngành thủy sản phải chung sức, từ Chính phủ, các tổ chức nghiên cứu, cơ quan phát triển, hiệp hội sản xuất đến doanh nghiệp và nông dân. Quy trình này nên bắt đầu từ sự tổng hợp kiến thức tích lũy của các chuyên gia về công nghệ sinh học, đề xuất những đối tượng thủy sản nuôi thích nghi với điều kiện môi trường có kiểm soát. Sau đó, áp dụng kiến thức vào hệ thống sản xuất, kết hợp phát triển dinh dưỡng, thức ăn phù hợp cho từng đối tượng nuôi. Ngoài ra, cần duy trì giống thủy sản bố mẹ đã được nhận dạng đặc điểm di truyền, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất và chăm sóc con giống từ giai đoạn ấu trùng đến con non. Cùng đó, thực hiện thử nghiệm về cải tiến di truyền, dinh dưỡng và các điều kiện lý hóa tối ưu cho vật nuôi trong các điều kiện sống và mô hình sản xuất khác nhau.
Để đạt mục tiêu trên, cần phải tìm kiếm sự liên hiệp giữa các trung tâm phát triển công nghệ và đổi mới NTTS đang sở hữu phòng thí nghiệm nghiên cứu chuyên biệt. Những phòng thí nghiệm này phải đảm bảo trang bị đầy đủ thiết bị đánh giá khoa học về sinh sản, dinh dưỡng, sinh lý và các biến số khác nhau, nhằm cải thiện hệ thống nuôi thương mại. Sự liên kết này sẽ làm gia tăng sức mạnh về năng lực, đồng thời mở rộng và làm phong phú thêm kiến thức sinh học và công nghệ.
Khi khoa học NTTS phát triển sẽ kéo theo xu hướng chuyển đổi từ mô hình sản xuất thủ công và truyền thống các mô hình sản xuất dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học. Hiện nay, các doanh nghiệp nuôi thủy sản tiên tiến đều ủng hộ chiến lược hợp tác để cùng phát triển công nghệ nuôi hiệu quả, năng suất mà không gây tổn hại đến môi trường. Những lĩnh vực thu hút sự hợp tác và đầu tư sẽ là di truyền, dinh dưỡng, thú y và công nghệ sinh học, nhằm gia tăng lợi nhuận và tính bền vững cho các hệ thống NTTS.
Cuối cùng, chúng ta không được quên rằng NTTS là một hoạt động sản xuất công nghiệp và ngành này phải được công nhận là một phần gắn liền với an ninh lương thực trong bối cảnh bùng nổ dân số toàn cầu.
MARCO LINNE UNZUETA – Tổng Biên Tập Aquaculture Magazine