T2, 13/11/2023 08:39

Nuôi biển bền vững bắt đầu từ vi tảo

(TSVN) – Đại dương là nguồn cung thực phẩm lớn cho nhân loại, nhưng phần lớn thông qua hoạt động khai thác cá tự nhiên vốn đang bị lạm dụng dẫn đến suy kiệt nguồn lợi. Ngành nuôi biển là một giải pháp tăng sản lượng thực phẩm, trong đó nuôi trồng vi tảo có thể mang lại lợi ích bền vững về dinh dưỡng và môi trường. 

Vi tảo cung cấp nguồn dinh dưỡng chất lượng cao nhưng hầu hết chưa được khai thác hết. Nhiều loài có hàm lượng protein trên 40% khối lượng khô là nguồn protein dinh dưỡng và acid amin thiết yếu tốt hơn thực vật trên cạn. Ngoài ra, vi tảo còn cung cấp một số vi chất dinh dưỡng nhất định, gồm vitamin, chất chống ôxy hóa, acid béo không bão hòa đa omega-3 và khoáng chất. 

Tương tự đậu nành, protein vi tảo có thể trở thành một nguyên liệu trong chuỗi sản xuất sản phẩm thay thế sữa, thịt, mì ống và đồ nướng. Quan trọng nhất, do năng suất lớn hơn thực vật trên cạn nên tảo biển nuôi trồng trên cạn có tiềm năng đáp ứng toàn bộ nhu cầu protein dự kiến vào năm 2050. 

Nói rằng vi tảo giúp môi trường bền vững hơn là hoàn toàn có cơ sở. Lý do, nuôi trồng tảo biển trên cạn không cần sử dụng đất, nước tưới tiêu, phân bón nên ngành nuôi trồng vi tảo không cần phải cạnh tranh nguồn đất nông nghiệp, nước ngọt và không kéo theo nguy cơ phú dưỡng nguồn nước. Hơn nữa, bằng cách giảm diện tích đất canh tác và ô nhiễm nguồn nước ngọt, ngành vi tảo giảm áp lực phá rừng làm nông nghiệp, đặc biệt ở khu vực nhiệt đới Đông Nam Á và Amazon. 

Trồng vi tảo cũng góp phần giảm thiểu một số mối đe dọa đến sức khỏe đại dương. Lượng khí thải carbon dioxide (CO2) do con người tạo ra chính là mối hiểm họa lớn lớn nhất đối với hệ sinh thái đại dương toàn cầu. Hiệu ứng nhà kính gia tăng kéo theo nhiều đợt nắng nóng trên biển, từ đó dẫn đến hiện tượng tẩy trắng san hô, bùng phát dịch bệnh ở biển và làm thay đổi phạm vi phân bố của các loài. Trong lòng đại dương, nhiệt độ ấm lên dẫn đến hiện tượng khử ôxy và mở rộng “vùng chết” trên biển. Cả hai hiện tượng này đều gây bất lợi cho sinh vật trong quá trình trao đổi chất hiếu khí. Sau cùng, gia tăng nhanh chóng nồng độ CO2 trong khí quyển đang thúc đẩy qua trình acid hóa đại dương, tác động đến toàn bộ hệ sinh thái biển. 

Ngành nuôi trồng tảo biển là một phần của nền kinh tế sinh học tuần hoàn biển mới nổi. Đây là công cụ giúp giảm thiểu CO2 từ việc tiết kiệm diện tích đất đai nông nghiệp, hoặc bằng cách sử dụng vi tảo để sản xuất nhiên liệu thay thế sản phẩm gốc dầu mỏ. 

Vi tảo cũng cải thiện tính bền vững của nghề khai thác cá tự làm bột cá và dầu cá. Một khi thay thế bột cá, dầu cá, vi tảo góp phần giảm 30% sản lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên trên toàn cầu. Tuy nhiên, trở ngại hiện nay của ngành vi tảo là vốn để hoàn thiện công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất. Những trở ngại này tương tự thách thức mà ngành công nghiệp năng lượng mặt trời và năng lượng gió phải đối mặt. Do đó, ngành vi tảo cũng cần các khoản đầu tư tài chính và chính sách ưu đãi thị trường từ phía chính phủ đến khi xây dựng được “sân chơi” bình đẳng. 

TS CHARLES H.GREENE
Khoa Khoa học trái đất và khí quyển, Đại học Cornell, Ithaca, Mỹ

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!