Theo Hải quan Việt Nam, trị giá xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh tháng 5/2015 đạt 9,4 triệu USD (8,5 triệu EUR), gấp đôi con số tháng trước. 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sú và tôm thẻ chân trắng sang Anh mang lại 36,2 triệu USD (32,6 triệu EUR), tăng 50,9% so cùng kỳ năm ngoái.
Có thể thấy, thị trường Anh là một điểm sáng khi lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng mạnh, dù tổng trị giá xuất khẩu tôm sang EU giảm đáng kể từ đầu năm. Sở dĩ Anh tăng gấp đôi lượng nhập khẩu tôm là do nguồn cung năm nay dồi dào, trong khi giá bán tôm trên toàn thế giới đang xuống thấp.
Cùng đó, người tiêu dùng tại Anh bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới những thực phẩm tốt cho sức khỏe, như thủy hải sản; do đó, tiêu thụ mặt hàng này đang tăng cao. Tôm nuôi nước ấm và những loại thủy hải sản “mới lạ” cũng có sức hút không kém các loài thủy hải sản truyền thống tại Anh (cá tuyết cod, cá hồi, cá ngừ, tôm nước lạnh…).
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tôm Việt Nam tại các thị trường khác thuộc EU và Mỹ giảm suốt 6 tháng đầu năm, tạo ra sự bất thường so với năm ngoái. Có thể các nhà nhập khẩu tại những thị trường này vẫn đang chờ giá tôm toàn cầu xuống nữa trong bối cảnh nguồn cung thừa. Nhiều hãng kinh doanh tôm tại Việt Nam luôn kỳ vọng lượng hàng xuất khẩu sang Anh và thị trường khác thuộc châu Âu sẽ tăng. Tuy nhiên, chắc chắn năm nay tăng trưởng sẽ chậm và không vượt quá 3,9 tỷ USD, bởi khủng hoảng nợ tại Hy Lạp vẫn tiếp diễn.
Ngành công nghiệp tôm nuôi tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh EMS. Nhưng nông dân Việt Nam có cách đối phó đại dịch bệnh này theo cách riêng: Ngoài nuôi thâm canh còn thả ấu trùng tôm ra suối, kênh, sông hoặc rừng ngập mặn, để tôm tự tìm thức ăn. Sau một khoảng thời gian, nông dân sẽ thu hoạch tôm. Nhiều hộ còn tận dụng đồng lúa ngập nước để nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng; nuôi như vậy thịt tôm thơm ngon và dai hơn.
Điều này lý giải tại sao ngành công nghiệp tôm Việt Nam khó mở rộng theo hướng nuôi “sinh thái” để đạt chứng nhận quốc tế. Nông dân nuôi tôm, chủ yếu là hộ vừa và nhỏ thả tôm trong môi trường “tự do”, không phải hệ thống khép kín; do đó cơ quan quản lý khó theo dõi để cấp giấy chứng nhận. Nhưng chính cách nuôi rất tự nhiên này lại giúp các hộ nuôi tránh được dịch bệnh EMS, tôm có chất lượng thịt tốt.
Đôi khi, không nhất thiết phải nuôi khép kín trong một hệ thống hiện đại mới có thế đạt chứng nhận quốc tế. Tôm Cà Mau được nuôi thả tự nhiên nhưng thịt dai, thơm ngon, khác tôm nuôi công nghiệp quy mô lớn, và được Naturland của Đức chứng nhận chất lượng tốt. Gần như toàn bộ sản phẩm này được chế biến và xuất khẩu sang Thụy Sỹ. Tôm nuôi trong môi trường tự nhiên thường lớn nhanh hơn so với môi trường nuôi thâm canh. Điều này sẽ có lợi cho doanh nghiệp tấn công thị trường Mỹ và EU, bởi các thị trường này luôn đón nhận tôm cỡ lớn và có hương vị tự nhiên.
Biên tập viên SeafoodSource