Giữa tháng 11, Telegraaf – một tờ báo nổi tiếng tại Hà Lan đã đưa tin về một chương trình truyền hình tại Hà Lan, tâm điểm là những kết luận điều tra fillet cá tra nhập khẩu từ Việt Nam bán tại các siêu thị ở Hà Lan chứa 30% nước.
Theo điều tra của SeafoodSource, đầu năm 2015, hầu hết những nhà xuất khẩu cá tra tại Việt Nam đều phản đối nghị định mới (Nghị định 36) vì nó làm họ tốn phí hơn. Do đó, nghị định này được lùi thời hạn một năm (Nghị định 36 quy định tỷ lệ mạ băng trên fillet cá tra đông lạnh dưới 10% và tỷ lệ hàm ẩm 83% trọng lượng sản phẩm).
Thừa nhận những quy định trên có thể giúp cải thiện hình ảnh cá tra trên thị trường quốc tế vì nó tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, song doanh nghiệp vẫn đề nghị cần thêm thời gian để nghe phản hồi từ khách hàng, vì doanh nghiệp thêm nước vào cá theo yêu cầu của khách hàng.
Nhưng giá cá tra vẫn lao dốc thảm hại. Giá thấp không hẳn tạo ra sức hút lớn, còn cá tra vẫn phải gồng mình cạnh tranh chất lượng với cá khác. Nếu không cạnh tranh nổi, khách hàng quay lưng với cá tra. Điều này đã và đang xảy ra tại Hà Lan và Trung Đông. Cải thiện hình ảnh cá tra không còn là nhiệm vụ mới, song nó đang trở thành vấn đề cấp bách, đặc biệt khi giá trị xuất khẩu cá tra giảm mạnh.
Thiết nghĩ, hình ảnh cá tra đang dần trở nên xấu hơn tại thị trường Hà Lan, phần lớn lỗi là những nhà quản lý chính sách tại Việt Nam. Nếu như chính phủ, những nhà quản lý kiên quyết triển khai điều luật quản lý theo đúng Nghị định 36, thì chưa chắc cá tra đã phải chịu thêm tai tiếng tại Hà Lan cũng như EU. Nhiều chuyên gia trong ngành này cũng tin rằng Ủy ban châu Âu (EC) có thể sẽ hành động bảo vệ thị trường và người tiêu dùng. Nếu EC thắt chặt quy định kiểm tra hoặc nặng hơn là hủy tất cả các container hàng nhập khẩu cá tra vượt lượng nước cho phép, thì đây là “thảm họa” thực sự với ngành công nghiệp cá tra Việt Nam.
Có lẽ, cá tra chỉ may mắn hơn tại Anh. Tuy nhiên, cũng có nhiều nguyên nhân khiến thị trường Anh dễ chấp nhận cá tra hơn. Đầu tiên, con cá này đã được đổi tên, “pangasius” không còn xuất hiện trên nhãn mác bao bì, dù tiếng Latin vẫn là Pangasius hypophthalmus. Và đương nhiên, sau khi được đổi tên, cá tra có giá rẻ hơn nhiều loại cá thịt trắng khác. Các cửa hàng bán lẻ của Sainsbury bán cá tra với nhãn mác “ASC smoked dyed river cobbler”, giá 10 GBP/kg (15,3 USD; 15,24 EUR). Sản phẩm cá tra, basa nhập khẩu ở Việt Nam, được chế biến tại Anh nhìn chung hợp khẩu vị người tiêu dùng Anh. Nhưng đừng vội mừng, bởi dù giá rất cao nhưng chỉ doanh nghiệp Anh hưởng lợi, vì doanh nghiệp xuất khẩu vẫn bán cá sang Anh với giá rất thấp. Tại Trung Đông, Oman là nước nhập khẩu nhiều cá tra nhất, nhưng chính phủ nước này cũng đang cân nhắc việc hạn chế nhập khẩu cá tra, do không đảm bảo chất lượng. Trước đó, các hãng nhập khẩu đã thống nhất tỷ lệ mạ băng 20 – 25% nhưng đáng buồn là nhiều doanh nghiệp Việt Nam tự đẩy tỷ lệ này lên 50%. Đến khi nào hình ảnh và chất lượng cá tra mới được cải thiện và không tự giết chính mình?
Biên tập viên SeafoodSource